Chờ...

Bênh sởi, tay chân miệng đang tăng tại TPHCM

(VOH) – Bệnh sởi và tay chân miệng đang vào “mùa”. Viện Pasteur TP.HCM họp khẩn trực tuyến với 20 tỉnh phía nam để triển khai các giải pháp phòng chống, dập dịch.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết số ca trẻ em mắc sởi nhập viện tăng lên trong khoảng 1 tháng qua. Có những tín hiệu “khác thường” so với các năm trước như trẻ mắc bệnh là trẻ rất nhỏ, và trẻ lây từ người thân trong gia đình.

CẢNH BÁO : Nhận biết các triệu chứng sởi đầu tiên ở trẻ nhỏ để chữa trị tốt hơn. Bệnh sởi ở trẻ nhỏ nếu không được phát hiện có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như mù lòa, nhiễm trùng tái phát, bệnh phổi mạn tính...
Cẩn trọng bệnh sởi ở trẻ em. Đưa trẻ tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi, phải đảm bảo trẻ được tiêm mũi vaccine phòng ngừa sởi khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi vaccine sởi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng.

Điều đáng chú ý, thời điểm này các năm trước là lúc bệnh sởi phát ít (thường là từ tháng 12 đến tháng 2 hàng năm) nhưng năm nay lại tăng số ca mắc bệnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo triệu chứng đáng chú ý của bệnh sởi

* Sốt cao trong 2 – 4 ngày, sốt ngày càng cao, sau đó xuất hiện ban.

* Ban thường xuất hiện ở chân tóc, lan xuống mặt và dần tới chân. 

* Trong quá trình phát ban, trẻ vẫn bị sốt, ho, bé rất mệt.

Đây là triệu chứng phân biệt với sốt phát ban thường chỉ sốt 2 – 3 ngày và ban lan nhanh hơn. Trẻ càng nhỏ hoặc có bệnh nền (như bị bệnh tim,….) thường bị nặng hơn. Biến chứng thường gặp nhất là viêm phổi.

ThS-BS Lê Hồng Nga Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ đầu năm đến nay, thành phố có 96 ca mắc sởi, trong đó tăng đột biến vào tháng 9.

Giải pháp để tránh tình trạng gia tăng bệnh sởi, TS-BS Lê Hồng Nga cho biết đã triển khai chiến dịch tiêm bù vắc xin cho trẻ sinh năm 2016, 2017 và đang tính toán lại thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế là tiêm cho trẻ 3 - 5 tuổi.

ThS-BS Lê Hồng Nga lưu ý phụ huynh phòng chống bệnh sởi cho con.

Về bệnh tay chân miệng, đỉnh điểm ngày 24/9, bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận đến 222 bệnh nhi điều trị tại khoa Nhiễm – thần kinh. Từ đầu tuần đến nay, có 10 trẻ phải thở máy và 5 trẻ phải lọc máu; đã có 1 trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm này đang là giai đoạn cao điểm hàng năm của bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Số ca nhập viện tay chân miệng trong tháng 9 tại thành phố Hồ Chí Minh là 286 ca, tăng 92 ca so với tháng trước (tăng 47%).

Số ca mắc bệnh tay chân miệng trong tháng 9 (so sánh với năm 2017). Nguồn: TTYTDP TPHCM.

Cảnh báo: Bệnh tay chân miệng đang tăng đột biến tại TPHCM. Như dự đoán, bệnh tay chân miệng sẽ rộ lên khi mùa tựu trường bắt đầu. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình bệnh tay chân miệng tại TPHCM đáng ngại hơn nhiều.
Làm cách nào để tránh lây bệnh tay chân miiệng ?  
Trẻ bị bệnh tay chân miệng phần lớn là do lây lan. Do đó, các phụ huynh cần đặc biệt chú ý các biện pháp phòng tránh lây lan bệnh tay chân miệng, không chỉ cho bản thân mà cho cả cộng đồng.