Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu 33 ca tai nạn pháo nổ trong dịp Tết

HÀ NỘI - Trong kỳ nghỉ Tết (từ ngày 25/1 đến 2/2), Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tiếp nhận 33 ca cấp cứu do tai nạn pháo nổ, trong đó có trường hợp mù mắt, dập nát chi thể, chấn thương bụng...

Nạn nhân chủ yếu là thanh thiếu niên và trẻ em, nhiều trường hợp bị thương nặng để lại di chứng lâu dài, thậm chí phải phẫu thuật cấp cứu để bảo tồn chức năng cơ thể.

Đáng chú ý, không ít tai nạn xảy ra do sử dụng pháo tự chế hoặc tham gia đốt pháo trái phép, gây nguy hiểm không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh.

phao-no-030225
Một bệnh nhân bị chấn thương do pháo nổ được cấp cứu tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức

Cụ thể, em N.C.D (19 tuổi, Nam Định) nhập viện vào ngày 28/1/2025 (29 Tết) do tai nạn pháo nổ, dẫn đến mổ cấp cứu sửa mỏm cụt tay trái, cùng vết thương phần mềm tay phải.

Đây là một trong số những trường hợp nghiêm trọng do pháo nổ gây ra, để lại những vết thương đau đớn và ảnh hưởng lâu dài đến chức năng vận động.

Anh C.V.C (37 tuổi, Nghệ An) nhập viện vào ngày 31/1/2025 (mùng 3 Tết) do tai nạn pháo nổ gây mù mắt, hàm mặt sưng nề, gãy 1/3 dưới xương cánh tay phải và gãy phức tạp 2 xương cẳng tay phải, vết thương bàn tay trái. 

Anh N.C.T (42 tuổi, Thái Bình) nhập viện ngày 1/2 (mùng 4 Tết) do tai nạn pháo nổ, gây vết thương bàn tay hai bên, dập nát bàn tay trái. Tai nạn này khiến anh phải đối mặt với những chấn thương nghiêm trọng, cần can thiệp y tế kịp thời để giảm thiểu hậu quả lâu dài…

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng thực tế số ca tai nạn do pháo nổ vẫn tiếp tục gia tăng mỗi dịp Tết, trở thành hồi chuông báo động về tình trạng vi phạm quy định và chủ quan trong việc sử dụng pháo.

Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức khuyến cáo khi xảy ra tai nạn, cần sơ cứu đúng cách và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Để tránh rủi ro nhiễm trùng vết thương, người dân không nên tự ý đắp lá vào vết thương, cần đến kiểm tra và khám định kỳ tại các cơ sở y tế.

Bình luận