Lập bệnh viện dã chiến phòng, chống nCoV; hạn chế lây chéo trong các bệnh viện; giám sát chặt chẽ, cách ly các nguồn nguy cơ có thể lan truyền nCoV… các địa phương đã sẵn sàng các tình huống ứng phó với nCoV.
Ảnh minh họa
Vĩnh Phúc lập bệnh viện dã chiến phòng, chống nCoV
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai nhanh, gấp bệnh viện dã chiến với khoảng 300 giường bệnh để phục vụ nhiệm vụ phòng chống nCoV tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Đây là địa điểm cơ sở hạ tầng đã có sẵn, khuôn viên rộng rãi, xa khu dân cư, tiện đường đi lại. Đó là điều kiện thuận lợi để Vĩnh Phúc có thể quản lý, cách ly và tập trung chữa bệnh theo đúng phương thức khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Tính đến thời điểm 23h ngày 9/2/2020, việc xây dựng bệnh viện dã chiến tại Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh đã được triển khai nhanh chóng và hoàn thành việc chuẩn bị mặt bằng. Dự kiến trong ngày hôm nay (10/2) các đơn vị sẽ tiến hành lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật, bố trí nhân lực cần thiết và phương án vận hành bệnh viện dã chiến, sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh, địa điểm Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh rất thuận lợi để xây dựng bệnh viện dã chiến. Tại đây cơ sở vật chất sẵn có, cơ bản đáp ứng yêu cầu của một bệnh viện dã chiến với quy mô lớn phục vụ yêu cầu điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sở Y tế đã bố trí nhân lực cho bệnh viện dã chiến trên cơ sở các tổ phản ứng nhanh, trong đó, nòng cốt và chịu trách nhiệm vận hành là Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Hải Dương: Hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo trong các bệnh viện
Lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương đã yêu cầu các cơ sở y tế, nhất là các khoa khám bệnh, cấp cứu phải tổ chức sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát người bệnh nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV ngay tại nơi đón tiếp nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo. Phân loại nhanh bằng cách hỏi các triệu chứng, các yếu tố dịch tễ. Bố trí thêm bàn khám để phân loại sơ bộ bệnh nhân ngay từ khi đến đăng ký khám bệnh.
Nếu phát hiện những bệnh nhân nghi mắc bệnh do nCoV cần nhanh chóng đưa vào buồng cách ly để hạn chế nguy cơ phát tán nCoV tại khu vực chờ khám bệnh. Xem xét trang bị máy đo thân nhiệt hồng ngoại giúp phát hiện nhanh người bị sốt.
Bố trí khu vực chờ, khu vực khám riêng cho những người nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV. Khi phát hiện có người nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV cần chuyển người bệnh vào khu vực cách ly. Tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người nhà bệnh nhân đeo khẩu trang. Tăng cường vệ sinh sàn, buồng bệnh bằng hóa chất khử khuẩn. Bảo đảm các phòng khám, phòng chờ người bệnh nhiễm nCoV thông thoáng.
Các khoa thu nhận, điều trị cách ly người nhiễm nCoV phải có biển cảnh báo tại khu vực cách ly, hạn chế tối đa người ra vào khu vực cách ly. Áp dụng cách ly phòng ngừa theo cả 3 đường lây, đặc biệt lưu ý phòng ngừa cách ly lây truyền theo đường tiếp xúc và giọt bắn. Bố trí khu cách ly có 3 phòng: phòng đệm, phòng người bệnh nghi ngờ, phòng điều trị người bệnh nhiễm nCoV.
Thanh Hóa giám sát chặt chẽ, cách ly các nguồn nguy cơ có thể lan truyền nCoV
Tính đến ngày 9/2, Thanh Hóa có 12 trường hợp mắc và nghi ngờ mắc nCoV. Trong đó, 1 người dương tính với nCoV đã điều trị khỏi và ra viện ngày 3/2; 9/11 người nghi mắc nCoV có kết quả xét nghiệm âm tính đã ổn định sức khỏe ra viện, 2 người đang chờ kết quả xét nghiệm cũng đã xuất viện. 28 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCov đã qua 14 ngày giám sát, hiện không có biểu hiện viêm đường hô hấp. Hiện nay, Thanh Hóa không còn trường hợp nghi ngờ mắc nCoV đang điều trị tại các cơ sở y tế; 183/220 người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm đã qua 14 ngày không còn phải theo dõi sức khỏe, 826 người đến từ vùng dịch đang cách ly tại doanh nghiệp, 2.365 người được cách ly tại gia đình hiện không có biểu hiện viêm đường hô hấp.
Sở Y tế Thanh Hóa đã thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh nCoV tại 4 huyện: Quảng Xương, Nga Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hóa. Qua kiểm tra công tác phòng chống dịch ở các địa phương cho thấy, công tác phòng chống dịch được các địa phương quan tâm bố trí kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh nCoV, triển khai toàn diện, đúng hướng dẫn, chi tiết, cụ thể theo yêu cầu, ý thức phòng chống dịch ở các gia đình có người nghi nhiễm, người trở về từ vùng dịch khá tốt.
Sở Y tế - cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo phòng chống dịch nCoV tỉnh, các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch nCoV với tinh thần không chủ quan, nắm sát, kiểm soát, giám sát, cách ly đúng quy định, quy trình tất cả đối tượng nghi ngờ có yếu tố dịch tễ liên quan, đặc biệt là phát huy trách nhiệm của chủ tịch xã trong việc giám sát, xã thôn có nắm chắc thì mới kiểm soát tốt đối tượng. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền về trách nhiệm, quyền lợi của những cá nhân, gia đình và cộng đồng thấy được nguy cơ của việc lây lan dịch bệnh và tham gia phòng chống dịch hiệu quả bởi liên quan đến quyền lợi, sức khỏe của từng người dân.
Hậu Giang sẵn sàng các tình huống ứng phó với nCoV
Nhằm ứng phó kịp thời với dịch bệnh, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona gây ra, tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đáp ứng với dịch bệnh này trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đề ra 3 tình huống ứng phó với dịch bệnh nCoV, cụ thể: Tình huống 1, chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Hậu Giang; tình huống 2, trường hợp bệnh xâm nhập vào tỉnh Hậu Giang; tình huống 3, dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Hiện nay, đang trong tình huống chưa có dịch, tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách phòng, chống dịch bệnh. Hoạt động này đang được triển khai tích cực, hiệu quả cao nhất. Qua kiểm soát lại, người dân đã ý thức được và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Theo tình huống 2, tỉnh đã chủ động bố trí phòng cách ly tại tất cả các cơ sở y tế và Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy là 2 đơn vị được chọn để điều trị và cách ly bệnh nhân nếu số lượng nhiều hơn vài người mắc bệnh nCoV.
Tình huống thứ 3 là dịch lây lan trên diện rộng, tỉnh sẽ xây dựng bệnh viện dã chiến và đã chọn Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật tỉnh để xây dựng. Qua kiểm tra, rà soát lại cần phải mua sắm thêm một số trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó. Hiện tại, tỉnh đang chủ động chuẩn bị nơi tiếp nhận cách ly, chăm sóc đối tượng người dân của Hậu Giang ở nước ngoài về theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Dù hiện nay, chỉ ở tình huống 1, nhưng công tác chuẩn bị ứng phó của tỉnh đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Các cơ sở y tế đều đã sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch bệnh. Tại Trung tâm Y tế huyện Vị Thủy sẽ sắp xếp nhanh chóng bố trí giường bệnh và trang thiết bị cần thiết để triển khai khu cách ly gồm 100 giường. Tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh khu cách ly có 20 giường…