Chờ...

Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh bạch hầu

VOH - Đường lây của bệnh qua đường hô hấp, từ cuối thời kỳ ủ bệnh do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các dịch tiết nhỏ bắn ra không khí.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc, lây theo đường hô hấp và có khả năng gây dịch, do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae (còn gọi là trực khuẩn Klebs-Leoffler) gây nên.

Đường lây của bệnh qua đường hô hấp, từ cuối thời kỳ ủ bệnh do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc qua các dịch tiết nhỏ bắn ra không khí.

Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với da người mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… có dính dịch tiết hô hấp của người bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh của bệnh bạch hầu khoảng 2-5 ngày, không có biểu hiện gì, có tiền sử tiếp xúc người bệnh và trong vụ dịch.

Thời kỳ khởi phát bệnh thường tiến triển từ từ, bệnh nhân sốt nhẹ, có các biểu hiện viêm hô hấp cấp như đau họng, chảy nước mũi, khó chịu, da xanh.

Bệnh bạch hầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: tắc nghẽn đường hô hấp, viêm cơ tim, viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm thận, viêm phổi, xuất huyết giảm tiểu cầu…

tiem phong 2
Tiêm chủng vaccine bạch hầu là cách phòng tránh lây nhiễm tốt nhất - Ảnh minh họa

Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh bạch hầu

Cách phòng tránh lây nhiễm bệnh bạch hầu tốt nhất là tiêm chủng vắc xin bạch hầu cho trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, người già có bệnh nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch, người sống trong gia đình có người mắc bạch hầu, người chăm sóc bệnh nhân bạch hầu…

Trẻ em từ 2 tháng tuổi đã có thể bắt đầu các tiêm bạch hầu với các mũi tiêm cơ bản lúc 2 – 3 – 4 tháng tuổi và tiêm liều nhắc lại lúc trẻ 16 đến 18 tháng tuổi; 4 đến 7 tuổi; 9 đến 15 tuổi.

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh như phụ nữ có dự định mang thai hoặc đang mang thai, người lớn, người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên; người già có bệnh nền mạn tính,… cũng cần tiêm mũi nhắc bạch hầu.

Ngành chứng năng cần tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân toàn quốc để cung cấp những thông tin cần thiết về triệu chứng, cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Khi có bất cứ triệu chứng nào của bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần nhanh chóng cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán điều trị kịp thời. Tránh tiếp xúc với người khỏe mạnh, người bệnh và cả người chăm sóc cần đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

Những người chăm sóc người bệnh bạch hầu cần rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đồng thời không gian sống cần được thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Ở trường lớp nếu có trẻ mắc bạch hầu cần vệ sinh sạch sẽ các vật dụng mà trẻ đã sử dụng, nên sử dụng các chất sát khuẩn mạnh như cloramin B tẩy rửa sàn nhà, quần áo, chăn mền, các đồ dùng… của trẻ mắc bệnh và người tiếp xúc với trẻ.

Người dân sống trong vùng có ổ dịch bạch hầu cần chấp hành nghiêm túc các chỉ định của cơ quan y tế về cách y, uống thuốc và tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Về xử lý y tế tại nơi có ổ dịch, Bộ Y tế yêu cầu phải sát trùng tẩy uế đồng thời và sát trùng tẩy uế lần cuối tất cả các đồ vật có liên quan tới bệnh nhân. Tẩy uế và diệt khuẩn phòng bệnh nhân hàng ngày bằng chất sát khuẩn y tế như chloramin B.

Bát đĩa, đũa, chăn màn, quần áo phải được luộc sôi. Sách, vở, đồ chơi phải được phơi nắng.