Nguyên tắc giúp phòng ngừa tai nạn thường gặp trong dịp Tết
Theo ThS,BS Đinh Thạc (BV Nhi Đồng 1 TPHCM) việc phòng tránh những tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ rất đơn giản, đó là các bậc cha mẹ cần chú ý đến các bé trong mọi sinh hoạt, ví dụ như: ăn uống, vui chơi, đặc biệt là trong lúc đùa giỡn,... Đồng thời, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những vật dụng, đồ dùng có thể gây tai nạn cho trẻ. Chẳng hạn như:
- Với trẻ nhỏ nên tránh cho bé ăn những loại thức ăn có hạt, cầm nắm những vật dụng, đồ chơi có kích thước nhỏ,... nhằm tránh dị vật đường thở.
- Không cho trẻ chơi đùa trong khu vực bếp núc, đặc biệt là khi đang chế biến thức ăn. Những loại thức ăn nóng, nước sôi,... cần phải để ở những chỗ cao, tránh xa tầm với của trẻ.
Không cho trẻ đến gần nơi nấu ăn để tránh tình trạng bỏng ở trẻ em (Nguồn: Internet)
- Những vật dụng, đồ dùng cồng kềnh nên xếp gọn gàng, ngăn nắp để tránh gây té ngã cho trẻ. Những gia đình có hành lang, cầu thang nên làm hàng rào chắn để tránh việc trẻ có thể vô tình té ngã.
- Để phòng ngừa tình trạng đuối nước, những gia đình ở vùng nông thôn nên làm rào chắn các ao mương, lấp lại những hố để trẻ không bị té ngã trong lúc vui chơi.
- Những gia đình có sử dụng hóa chất để phục vụ cho vấn đề phát triển nông nghiệp và dùng để diệt côn trùng, tuyệt đối không đựng những loại hóa chất vào những vật dụng dễ gây nhầm lẫn, ví dụ như lon coca, nước ngọt,... Cha mẹ nên cất những loại hóa chất ở những nơi cao ráo và an toàn, tránh xa tầm tay của trẻ.
- Đối với những em bé thường mê chơi, đi ngoài nắng nhiều thì cha mẹ nên bổ sung nước uống đầy đủ. Nhắc nhở bé vui chơi vừa phải, không quá mức thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các phương pháp sơ cứu kịp thời khi trẻ gặp tai nạn
ThS,BS Đinh Thạc cho biết, cha mẹ có thể hạn chế thấp nhất những nguy hiểm đến tính mạng của trẻ bằng những phương pháp rất đơn giản đó là:
-
Dị vật đường thở
Cha mẹ cần cố gắng tống xuất dị ra ngoài. Ví dụ, trẻ dưới 2 tuổi có thể sử dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực, trẻ 2 tuổi có thể áp dụng phương pháp heimlich.
Cần sơ cứu trẻ bị hóc dị vật đúng cách trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất (Nguồn: Internet)
-
Trẻ bị bỏng
Tuyệt đối không bôi bất cứ thứ gì lên trên vết bỏng, ví dụ như nước mắm, kem đánh răng… Cha mẹ chỉ cần hạ nhiệt ngay chỗ trẻ đang bị bỏng bằng nước lạnh. Sau đó, rửa sạch nếu có vết thương, băng lại bằng vải mềm và chuyển bé đến bệnh viện.
-
Trẻ bị chấn thương do té ngã
Những trẻ bị chấn thương nếu có trầy xước, chảy máu hoặc đau đớn thì cha mẹ nên sơ cứu đúng cách, bằng cách dùng một cái khăn sạch nhúng nước lạnh (không dùng nước nóng) hoặc là bỏ một miếng đá vào trong, sau đó chà nhẹ lên vết thương để giảm bớt đau đớn cho bé rồi băng lại.
Nếu nghi ngờ trẻ bị trật khớp hoặc gãy xương thì nên cố định bằng nẹp (nẹp có thể là 2 thanh gỗ hoặc là 2 thanh tre) để xương không bị tổn thương thêm, sau đó chuyển bé đến bệnh viện chuyên khoa hoặc cơ sở y tế gần nhất.
-
Trẻ uống nhầm hóa chất
Trẻ bị ngộ độc do uống nhầm hóa chất thì cha mẹ nên tạo điều kiện cho bé nôn ra nhưng tuyệt đối không móc họng, vì hành động móc họng có thể khiến bé bị trầy xước, chảy máu. Khi trẻ còn ngồi được, ba mẹ nên để yên cho bé ngồi, nếu không ngồi được thì cho bé nằm và kê đầu cao, sau đó nghiêng mặt bé qua một bên để tránh trường hợp bị sạc chất nôn trào ngược vào phổi gây nguy hiểm.
Lưu ý chung
- Đối với trẻ bị dị vật đường thở, bỏng, đuối nước,... cha mẹ cần phải thật bình tĩnh thực hiện sơ cứu đúng cách.
- Nếu có thể hãy nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ từ những người xung quanh.
- Sau khi sơ cứu nên đưa trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, có cách xử trí và chăm sóc phù hợp nhất.
Bạn có thể xem lại nội dung ngắn gọn của bài viết từ video bên dưới: