Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Cách xử lý các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

(VOH) - Sự nguy hiểm của bệnh tiểu đường là những tổn thương (biến chứng) do đường máu tăng cao kéo dài gây ra tại các cơ quan đích như: tim, thận, mắt, thần kinh và mạch máu.

Tiểu đường (đái tháo đường) là hậu quả của việc mất hoàn toàn Insulin hoặc do liên quan đến sự suy yếu trong bài tiết và hoạt động của Insulin. 

*** Biến chứng cấp tính của tiểu đường 

Đây là những biến chứng xảy ra đột ngột trong thời ngắn và rất dễ tử vong nếu không được xử trí hay cấp cứu kịp thời. 

Hạ đường huyết: Xảy ra khi đường huyết xuống dưới 3.6 mmol/l (65 mg/dl), nguyên nhân có thể là quá liều thuốc hạ đường huyết (thuốc uống hoặc insulin); ăn uống kiêng khem quá mức hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc; tập luyện quá sức hay uống quá nhiều rượu…

Dấu hiệu nhận biết hạ đường huyết: đói cồn cào, mệt mỏi, run chân tay, bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng, hồi hộp đánh trống ngực

Cách xử lý khi bị hạ đường huyết: Khi có dấu hiệu hạ đường huyết nhẹ và trung bình, người bệnh phải nhanh chóng ăn nhẹ: cháo loãng, súp hoặc uống một ly nước đường, hay ăn 1 chiếc kẹo và nằm nghỉ ngơi yên tĩnh. Khi tỉnh táo trở lại, nên được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Trong trường hợp hạ đường huyết nặng cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức để được xử trí kịp thời.

- Hôn mê do tăng đường huyết: Đây là biến chứng nặng và rất dễ tử vong, đòi hỏi người bệnh phải được cấp cứu ngay lập tức.

Cách phòng ngừa biến chứng bị tăng đường huyết: Người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết bằng cách uống thuốc và/hoặc tiêm insulin đủ liều lượng, đúng thời gian mỗi ngày.

*** Biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường:

Biến chứng mạn tính do tiểu đường xảy ra như một phần tất yếu trong quá trình phát triển của bệnh, đặc biệt ở người không kiểm soát tốt đường huyết. Stress oxy hóa và viêm mạn tính được cho là tác nhân chính làm hư hại hệ thống mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể, từ đó sinh biến chứng.

Biến chứng về mắt: Đường huyết tăng cao làm tổn thương hệ thống mao mạch ở đáy mắt, gây bệnh võng mạc tiểu đường, khiến người bệnh bị suy giảm thị lực, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến mù lòa.

Tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ một số bệnh về mắt khác như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, phù hoàng điểm.

Cách phòng ngừa: Kiểm soát tốt đường huyết, khám mắt tối thiểu mỗi năm một lần. Nếu thị lực giảm đột ngột, nhìn mờ hay có cảm giác ruồi bay trước mắt, ấn vào quầng mắt thấy đau, nhức... người bệnh phải ngay lập tức đi khám để điều trị kịp thời.

Biến chứng về tim mạch: theo thống kê, có trên 65% số ca tử vong ở người bệnh tiểu đường là do bệnh tim và đột quỵ. Sự xuất hiện và tiến triển của các bệnh về tim mạch là hệ lụy khó tránh khỏi với bệnh nhân tiểu đường. Họ dễ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây di chứng liệt hoặc tử vong.

Cách phòng ngừa: Kiểm soát tốt các chỉ số đường máu, mỡ máu và huyết áp trong giới hạn cho phép cùng với chế độ ăn, tập luyện khoa học.

Biến chứng trên thận do tiểu đường:

Lượng đường trong máu cao gây tổn thương các vi mạch máu tại thận, làm suy giảm chức năng lọc, bài tiết của thận, nặng hơn là dẫn đến suy thận không hồi phục.

Cách phòng ngừa: Duy trì đường huyết, huyết áp về ngưỡng bình thường, kết hợp với chế độ ăn giảm muối, giảm đạm. Ít nhất mỗi năm 1 lần, bệnh nhân nên làm xét nghiệm microalbumin trong nước tiểu để phát hiện sớm các tổn thương ở thận.

Nếu được, nên áp dụng chế độ ăn chay, tăng cường thức ăn từ rau củ, nhất là khổ qua, khoai lang và đậu đũa.

>>> Tác dụng thần kỳ trong điều trị tiểu đường của khoai lang

Biến chứng nhiễm trùng do tiểu đường:

Đường trong máu cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, rất dễ bị nhiễm trùng, như nhiễm trùng răng lợi, tiết niệu hay sinh dục, vết loét lâu liền…

Tình trạng viêm nhiễm thường kéo dài, dai dẳng và khó điều trị.

Cách phòng ngừa: Kiểm soát đường huyết trong giới hạn, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là một số vùng dễ nhiễm khuẩn như răng miệng, cơ quan sinh dục hay tiết niệu. Nếu nhận thấy những dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng như: sốt; dịch âm đạo có mùi khó chịu; đau khi đi tiểu, nước tiểu đục, có máu hay mùi hôi. Hoặc khi có các vết thương hay xây xước nhỏ lâu lành...

Người bệnh cần trao đổi ngay với bác sĩ.

Ngoài các biến chứng kể trên, đường huyết tăng cao còn có thể làm tổn thương tới rất nhiều cơ quan khác như cơ xương khớp, não bộ (suy giảm trí nhớ) hay các bệnh về da…

Người bệnh tiểu đường ngoài việc tuân thủ đúng phác đồ điều trị cũng cần kiểm soát chế độ ăn hợp lý

Tóm lại, có thể hiểu khi một người mắc bệnh tiểu đường tức lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường, điều này làm rối loạn chức năng của cơ thể gây ra các biến chứng. Vì thế, biện pháp tiên quyết trong phòng tránh là phải kiểm soát được lượng đường trong máu ở mức an toàn thông qua các toa thuốc và liệu trình điều trị do bác sĩ có chuyên môn hướng dẫn.

Ngoài ra người bệnh cũng cần ý thức về mức độ dai dẵng và tập luyện khả năng sống chung với bệnh, từ đó có biện pháp kiêng cữ một số loại thức ăn có thể gây ảnh hưởng xấu đến hóa trình chuyển hóa đường trong máu. Người mắc tiểu đường cũng cần phòng tránh nhiễm khuẩn, chấn thương, stress, sẽ giúp loại bỏ các yếu tố gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Mặc dù tiểu đường chưa thể chữa khỏi, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát.

>>> Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh tiểu đường