Những quan niệm như không được đi ra gió, nằm than để giữ ấm hay không gội đầu, không ăn hải sản,… hầu như không một sản phụ nào là không biết vì những kinh nghiệm trên được truyền tai và áp dụng qua nhiều thế hệ. Nhiều sản phụ còn chịu sức ép từ mẹ chồng hay các cụ lớn tuổi trong gia đình về kiêng cữ ngặt nghèo sau sinh. Tuy nhiên, trong một xã hội đang phát triền như hiện nay thì liệu các quan niệm trên còn đúng đắn?
Những sai lầm về kiêng cữ sau sinh
* Không đọc sách báo, xem tivi sau khi sinh:
- Nhiều sản phụ sau khi sinh muốn giải tỏa căng thẳng bằng cách đọc báo, xem tivi nhưng họ lại bị mẹ chồng hoặc những người lớn tuổi ngăn cấm bởi sợ suy giảm thị lực.
- Thực ra thị lực của người phụ nữ trước và sau khi sinh không có gì khác biệt. Chỉ khi nào các bà mẹ không biết cách cân đối thời gian chăm sóc con và thời gian nghỉ ngơi khiến cơ thể rơi vào trạng thái mất sức thì mới ảnh hưởng tới thị lực.
- Sau khi sinh, các bà mẹ còn được khuyến khích xem tivi, đọc sách báo để cập nhật tin tức và kiến thức chăm con đồng thời giảm stress hậu sinh sản.
Ảnh minh họa: Thụy Ngân
* Kiêng tắm gội:
- Đây là điều hoàn toàn không có căn cứ khoa học. Sau khi vượt cạn, phụ nữ sẽ mất rất nhiều máu, mồ hôi khiến cơ thể luôn căng thẳng, mệt mỏi. Kiêng tắm lâu ngày sản phụ sẽ dễ bị xâm nhập bởi các vi khuẩn gây bệnh.
- Thực tế, sau khi sinh từ 3-4 ngày, sản phụ nên tắm bằng nước ấm nhưng thời gian tắm càng nhanh càng tốt, đừng ngâm nước quá lâu.
* Ăn nhạt sau khi sinh:
- Lại thêm quan niệm sai lầm về dinh dưỡng khi không cho muối vào thực đơn của sản phụ dẫn đến cảm giác nhạt miệng, chán ăn, gây ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con bú.
- Trong một tuần đầu sau khi sinh, lượng nước tiểu và mồ hôi được bài tiết ra sẽ nhiều hơn bình thường dẫn đến tình trạng mất nước ở sản phụ. Ở giai đoạn này, sản phụ cần duy trì đủ nước và việc thêm muối vào thực phẩm khi chế biến là rất cần thiết.
* Nằm than:
- Dù là xã hội có đang phát triển thì dường như quan niệm sai lầm này còn được áp dụng: “Cả mẹ và bé đều cần có một bếp than đặt dưới giường để giữ ấm cơ thể, hạn chế không khí không tốt, đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con”.
- Theo các bác sĩ chuyên khoa cho biết, trong khói than chứa rất nhiều khí CO2, có hại cho đường hô hấp của cả mẹ và bé. Ngoài ra, da trẻ sơ sinh rất mong manh, than quá nóng sẽ làm da bé bị bỏng, hoặc nhẹ hơn cũng là nổi rôm sảy.
Hơn thế nữa, đối với các bé sinh mổ có thể sẽ gặp vấn đề về hô hấp lâu dài.
Sản phụ và trẻ sơ sinh nằm than là quan niệm sai lầm - Ảnh: Thụy Ngân
* Quan hệ vợ chồng:
- Ngày xưa, phụ nữ sau sinh phải kiêng “chuyện ấy” đến 3 tháng 10 ngày (tức là hết thời gian ở cữ). Quan niệm này cho rằng phụ nữ sau sinh mà tiếp xúc với chồng sẽ đem lại xui xẻo, nhất là công danh, sự nghiệp của chồng.
- Quan điểm này là khá phổ biến. Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã chứng minh, chị em không nhất thiết phải kiêng cữ thái quá như thế nếu sức khỏe sau sinh đã ổn định.
Cách "kiêng cữ" sau sinh một cách khoa học
* Hạn chế căng thẳng:
- “Mẹ tròn con vuông” là điều vô cùng may mắn và hạnh phúc nên không có lí do gì mà các bà mẹ phải căng thẳng cả. Stress chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của chúng ta thôi.
Em bé nhận nguồn sữa trực tiếp từ mẹ: nếu mẹ vui vẻ thì con sẽ lớn nhanh, ngoan ngoãn. Ngược lại, mẹ cứ trầm cảm, rầu rĩ thì em bé sẽ quấy khóc và chậm lớn.
- Lời khuyên: phụ nữ sau khi sinh rất cần được sự quan tâm chăm sóc của người thân, đặc biệt là người chồng. Đừng để người phụ nữ sau sinh gặp phải chứng trầm cảm hay căng thẳng.
Biện pháp phụ giúp việc nhà từ người thân hoặc thuê người giúp việc sẽ giảm tải được áp lực sau sinh, giúp bà mẹ có thời gian thư giãn, không ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho em bé.
Phụ nữ sau khi sinh cần phải tránh được những áp lực để không ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con. (Ảnh sưu tầm)
* Ăn uống hợp lí và đầy đủ dinh dưỡng:
- Cơ thể người mẹ sau sinh chưa khỏe hoàn toàn, đặc biệt bụng còn rất yếu. Không nên ăn món có tính hàn hoặc hải sản, không ăn đá lạnh, không ăn đồ ăn lên men hoặc để qua ngày… dễ gây đau bụng, tiêu chảy dẫn đến vừa mất sức lại mất nước.
- Không nên ăn kiêng trong giai đoạn hậu sản vì dễ mất vitamin, dinh dưỡng và dễ nhiễm bệnh, mất sức.
- Lời khuyên: Các mẹ nên ăn các loại thịt đỏ, cá nước ngọt, rau xanh, trái cây… Bên cạnh đó cần ăn đồ mới và nóng, uống nhiều nước để cơ thể sinh sữa cho con.
Ăn uống đủ chất giúp bà mẹ có thêm nguồn sữa cho con – Ảnh: Thụy Ngân
* Không tập thể thao hay hoạt động mạnh
- Nhiều bà mẹ sau khi sinh sợ mất dáng nên nhanh chóng lao vào kiêng cữ, tập luyện thể thao để nhanh chóng lấy lại vóc dáng cân đối. Tập luyện hoặc hoạt động vội vã sẽ ảnh hưởng đến âm đạo, tử cung và xương chậu.
- Lời khuyên: Các bà mẹ sau sinh có thể hoạt động ở mức vừa phải, bắt đầu bằng những động tác nhẹ nhàng. Nhất là các bà mẹ sinh mổ thì tốt nhất sau 1 tháng hoặc đợi vết thương lành lại mới có thể sinh hoạt bình thường.
* “Chuyện ấy”
- Cơ thể cần khoảng thời gian 20 ngày đến 1 tháng để hoàn toàn gột sạch sản dịch sau khi sinh, cho nên “chuyện ấy” lúc này là không nên. Sau khi sinh con thì phụ nữ còn đau và cơ thể chưa tiết đủ hoocmon để hoạt động tình dục được trơn tru.
Chưa kể đến việc sinh mổ mà quan hệ tình dục quá sớm sẽ bị rách vết thương, gây nhiễm trùng vùng kín.
- Lời khuyên: Lời khuyên kiềm chế “chuyện ấy” sau sinh chỉ dành cho các ông chồng. Người phụ nữ phải chịu bao nhiêu vất vả mới có thể “vượt cạn” thành công. Sự mệt mỏi ấy phần nào lấy đi ham muốn tình dục của người mới làm mẹ.
Cho nên các ông chồng nên đợi khoảng 8 tuần hoặc khi nào mẹ sẵn sàng để không ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng và cả sức khỏe của vợ.
Không lạm dụng quá nhiều thuốc
- Thuốc tây không dành cho trẻ sơ sinh. Việc nạp thuốc kháng sinh, thuốc trị mụn, thuốc kích thích hoocmon, thuốc ngủ, thuốc giảm đau…sẽ được truyền cho con qua dòng sữa.
- Lời khuyên: Nếu dùng thuốc, các mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ tránh ảnh hưởng đến em bé.
Sinh nở chẳng khác gì thời gian hành kinh cả. Điều này có nghĩa là mọi việc sẽ trở về bình thường sau khi sinh nên các sản phụ đừng nên quá hoang mang hay lo lắng.
Có rất nhiều cách kiêng cữ sau khi sinh tùy theo gia đình và tùy theo mỗi vùng miền, nhưng các bà mẹ cần lưu ý lựa chọn và áp dụng những phương pháp kiêng cữ đúng đắn và khoa học để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cho cả em bé nhé !
Để tránh dịch bệnh tay chân miệng bùng phát ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé, mời các bạn đọc những bài viết trong chuyên đề tay chân miệng để biết cách phòng căn bệnh nguy hiểm này cho các bé. |