Đăng nhập

Cấp cứu thành công ca sốc nhiễm trùng nguy kịch do sỏi niệu quản

VOH - Một bệnh nhân 71 tuổi nhập viện trong tình trạng đau hông lưng dữ dội, suy nhược, kèm theo tiền sử tiểu đường, suy thận và cao huyết áp.

Sáng ngày 26/02/2025, Bệnh viện Vạn Hạnh tiếp nhận bệnh nhân P.S (71 tuổi) trong tình trạng đau hông lưng hai bên, mệt mỏi. Kết quả CT scan chỉ ra sỏi niệu quản hai bên gây tắc nghẽn, ứ nước tiểu ở cả hai thận. Đồng thời, bệnh nhân còn có tiền sử bệnh tiểu đường lâu năm, suy thận, cao huyết áp và suy giảm chức năng mạch vành.

Bệnh nhân được chỉ định nhập viện để điều trị kháng sinh, truyền dịch và lên kế hoạch phẫu thuật nội soi lấy sỏi vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, đến 16 giờ cùng ngày, tình trạng bệnh nhân diễn tiến xấu với các dấu hiệu sốc nhiễm trùng nghiêm trọng như rét run, thở nhanh, huyết áp tụt và vô niệu.

Sốc nhiễm trùng đường niệu là một tình trạng đặc biệt nguy hiểm, thường xảy ra khi vi khuẩn từ đường tiết niệu xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng toàn thân. Tỷ lệ tử vong của tình trạng này có thể lên đến 40%, đặc biệt là ở những bệnh nhân có bệnh nền nghiêm trọng như trường hợp của ông P.S. Những số liệu thống kê trước đây cho thấy, sốc nhiễm trùng liên quan đến sỏi tiết niệu chiếm tỷ lệ đáng kể trong các ca suy thận cấp tính và có thể dẫn đến tổn thương đa cơ quan nếu không được xử lý kịp thời. Đặc biệt, bệnh nhân cao tuổi với tiền sử tiểu đường và suy thận càng có nguy cơ cao đối diện với biến chứng nặng nề.

Trước tình trạng nguy kịch, đội ngũ y bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực (ICU) của bệnh viện Vạn Hạnh đã khẩn trương tiến hành các biện pháp hồi sức tích cực, sử dụng kháng sinh phổ rộng để kiểm soát nhiễm trùng, đồng thời theo dõi chặt chẽ các chỉ số sinh tồn. Tuy nhiên, biện pháp quan trọng nhất là can thiệp ngoại khoa nhằm loại bỏ nguồn nhiễm trùng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định đặt ống dẫn lưu khẩn cấp để giải phóng nước tiểu nhiễm khuẩn bị ứ đọng trong thận. Vào lúc 18 giờ cùng ngày, thủ thuật đặt ống dẫn lưu được thực hiện thành công ở cả hai thận, giải phóng lượng lớn nước tiểu mủ, giúp giảm áp lực và kiểm soát tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể bệnh nhân.

z6439572270520_bf6a574cc2e5a5c4a521aacbf1a2327dXem toàn màn hình
Sau hơn một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Ảnh: BVCC

Sau khi can thiệp, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát sao tại Khoa Hồi sức Tích cực. Các biện pháp hồi sức như bù dịch, điều chỉnh điện giải và hỗ trợ hô hấp được thực hiện liên tục để đảm bảo ổn định chức năng các cơ quan. Trong hai ngày tiếp theo, tình trạng bệnh nhân có dấu hiệu cải thiện tích cực. Cơn sốt dần hạ, huyết áp và nhịp tim trở lại ổn định, nước tiểu ít mủ hơn, nhịp thở cũng trở nên êm dịu. Đến ngày 01/03, bệnh nhân không còn sốt, giảm nhu cầu oxy và bớt đau hông lưng. Các chỉ số sinh tồn đều trong mức an toàn mà không cần can thiệp thuốc hỗ trợ.

Những ngày tiếp theo, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, có thể ăn uống tốt, không còn phụ thuộc vào oxy hỗ trợ. Đến ngày 06/03, sau hơn một tuần điều trị tích cực, bệnh nhân xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định. Theo kế hoạch, bệnh nhân sẽ tái khám sau ba tuần để tiếp tục tán sỏi, do việc tán sỏi trong giai đoạn nhiễm trùng nặng có thể gây nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Sự can thiệp nhanh chóng và chính xác của đội ngũ y bác sĩ không chỉ giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tử vong mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi nhanh chóng.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Thọ, người trực tiếp tham gia điều trị, đưa ra khuyến cáo quan trọng: "Sỏi niệu quản có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như sốc nhiễm trùng, suy thận cấp và thậm chí tử vong. Vì vậy, khi có dấu hiệu đau hông lưng, tiểu khó, người bệnh nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời."

Bình luận