Theo bản tin 6g ngày 15/2 - tức sáng mùng 4 Tết của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết có 1 ca mắc mới COVID-19 ghi nhận tại Hà Nội là người nhập cảnh.
Số ca mắc ở Việt Nam:
- Tính đến 6g ngày 15/2: Việt Nam có tổng cộng 1330 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 637 ca.
- Tính từ 18g ngày 14/02 đến 6g ngày 15/02: 1 ca mắc mới là ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Thông tin ca mới: 1 CA MẮC MỚI (BN2229) là ca nhập cảnh. Cụ thể:
- CA BỆNH 2229 (BN2229): nam, 54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, chuyên gia công ty TNHH Mitsui, Việt Nam. Bệnh nhân nhập cảnh vào làm việc tại Việt Nam ngày 17/01/2021 tại Sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Phường 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh từ 17-31/01, có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV2 (vào các ngày 17 và 31/1).
Ngày 1/2, bệnh nhân bay ra Hà Nội và trú tại một khách sạn ở quận Tây Hồ. Trong khoảng thời gian từ ngày 1-13/2, bệnh nhân đi lại, làm việc giữa khách sạn và công ty.
Khoảng 19g ngày 13/2, bệnh nhân được phát hiện tử vong trong phòng khách sạn. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ngày 14/2, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Nguyên nhân tử vong đang được điều tra làm rõ.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 152.690, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 683.
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 18.232.
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 133.775.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.534 bệnh nhân COVID-19.
Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 39 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 12 ca, số ca âm tính lần 3 là 9 ca.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, hiện BN1536 đang điều trị tại BV Phổi Đà Nặng là bệnh nhân nặng nhất. BN1536 tuổi cao, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm nay.
Liên quan đến công tác điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế tiếp tục tăng nhân lực hỗ trợ, chỉ đạo các địa phương, cơ sở y tế thực hiện tốt công tác điều trị cho người mắc bệnh. Về công tác điều trị, hiện các cơ sở điều trị vẫn tiếp tục thực hiện tốt. Các y bác sĩ luôn nỗ lực, cố gắng để điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.
Bộ Y tế và các địa phương đã rất chủ động, quyết liệt triển khai ngay các hoạt động phòng chống dịch. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh khi chỉ còn vài ngày nữa là hết Tết, các cơ quan, xí nghiệp và người dân sẽ đi làm trở lại.
Do đó, theo Bộ Y tế khi phát hiện các địa phương trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng cần thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý dịch nhanh hơn một mức, cao hơn một mức; khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết, phát hiện, cách ly, xet nghiệm, khoanh vùng, xử lý triệt để.