Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Chậm kinh: Nguyên nhân và cách khắc phục

(VOH) - Chậm kinh là hiện tượng mà hầu như chị em phụ nữ nào cũng đã từng mắc phải. Có rất nhiều nguyên nhân gây chậm kinh, có thể bình thường nhưng cũng có lúc tìêm ẩn những nguy hiểm.

Chậm kinh hay trễ kinh là chu kỳ kinh nguyệt bất thường, không chỉ một lần mà thậm chí là rất nhiều lần phụ nữ phải đối mặt với chuyện chậm kinh. Thông thường, đối với các chị em đã có quan hệ sinh lý, khi bị chậm kinh, chị em thường nghĩ ngay tới việc có thai, nhưng thực tế có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến hiện tượng này.

1. Nguyên nhân gây chậm kinh là gì?

Hiện tượng kinh nguyệt là “chiếc gương” phản ánh sức khỏe của phụ nữ. Điều đó cho thấy, các vấn đề của kinh nguyệt (trong đó có chậm kinh) có sự liên quan chặt chẽ với tình trạng sức khỏe của của cơ quan sinh sản và toàn bộ cơ thể. Dưới đây là những nguyên nhân chậm kinh mà mọi phụ nữ đều nên biết.

1.1 Chậm kinh 5 ngày

Chậm kinh 5 ngày có thể do các nguyên nhân sau đây:

cham-kinh-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-voh-1

Chậm kinh khoảng 5 ngày đã khiến phụ nữ lo lắng (Nguồn: Internet)

  • Do tính nhầm ngày: Bình thường một chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài từ 28 – 30 ngày nhưng không phải ai cũng giống nhau. Đôi khi, “ngày đèn đỏ” cũng bị chậm do thay đổi lịch sinh hoạt hoặc chế độ ăn uống không điều độ, dẫn đến hiện tượng trễ kinh 5 ngày.
  • Do uống thuốc điều trị: Một số tác dụng phụ không mong muốn của một vài loại thuốc cũng khiến bạn bị chậm kinh. Do đó, nếu trong tháng đó, bạn phải dùng thuốc điều trị một bệnh nào đó, bạn có thể bị trễ kinh 5 ngày hoặc trễ kinh 6 ngày.
  • Do căng thẳng: Quá căng thẳng cũng là nguyên nhân gây chậm kinh. Vào những tháng bạn phải học tập, thi cử, làm việc tăng ca, thức khuya dậy sớm cũng vô tình làm cho “ngày đèn đỏ” đến muộn hơn bình thường.
  • Lạm dụng thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai có tác dụng ngăn chặn sự rụng trứng bằng cách duy trì các hormone kích thích tố.

1.2 Chậm kinh 1 tuần (trễ kinh 7 ngày)

Nếu đã qua 1 tuần nhưng “ngày đèn đỏ” chưa đến, rất có thể do các nguyên nhân sau:

  • Do mang thai: Nếu trước đó bạn có “yêu” nhưng không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào để bảo vệ thì rất có thể bạn đã mang thai. Để biết chính xác chậm kinh có phải do mang thai hay không, bạn có thể dùng que thử thai để kiểm tra, đây là cách nhanh nhất để bạn nhận biết có thai.
  • Mất cân bằng hormone: Có thể do bạn tăng cân hoặc sụt cân một cách đột ngột. Tình trạng này cũng có thể khiến bạn bị trễ kinh 1 tuần.
  • Mắc bệnh phụ khoa: Bệnh viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm tử cung, u xơ tử cung,…cũng có thể khiến nữ giới có kinh nguyệt bất thường, dấu hiệu dễ gặp nhất là chậm kinh.

1.3 Trễ kinh 10 ngày

Nếu đã qua 10 ngày mà kinh nguyệt vẫn chưa đến thì bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám. Theo nhiều bác sĩ sản khoa, nếu trễ kinh hơn 10 ngày, đặc biệt là trễ kinh 1 tháng thì khả năng bạn đang mang thai là rất cao. Xác xuất que thử thai lúc này có thể đạt hiệu quả khoảng 90 – 95%. Tuy nhiên, nếu trước đó bạn không “yêu” mà bị trễ kinh hơn 10 ngày thì có thể bạn đang mắc một số bệnh nặng nào đó, bạn cần thăm khám và điều trị ngay.

Nhìn chung, việc trễ kinh càng nhiều ngày thì khả năng mang thai hoặc mắc bệnh phụ khoa càng cao. Khi đó, tốt nhất bạn hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám và kiểm tra, nhằm có biện pháp xử lý và điều trị kịp thời.

cham-kinh-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-voh-2

Nếu trễ kinh hơn 10 ngày thì bạn nên dùng que thử để kiểm tra hoặc thăm khám ơ bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa (Nguồn: Internet)

2. Bị trễ kinh nên làm gì?

Nếu xác định việc chậm kinh không phải do mang thai hoặc bệnh lý thì bạn có thể khắc phục hiện tượng này bằng những cách sau:

2.1 Tập thể dục

Một trong những biện pháp khắc phục tình trạng kinh nguyệt đến muộn hiệu quả và đơn giản nhất chính là thực hiện các bài tập thể dục. Thói quen này giúp cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, giảm căng thẳng. Để đạt hiệu quả tốt nhất, chị em nên dành 30 phút mỗi ngày để tập yoga, ngồi thiền hay thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đánh cầu lông, đá cầu…

2.2 Thay đổi chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống khoa học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh nguyệt cho chị em phụ nữ. Vậy trễ kinh nguyệt nên ăn gì?

cham-kinh-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-voh-3

Nước ép rau củ và trái cây hỗ trợ cải thiện tình trạng chậm kinh (Nguồn: Internet)

Nếu bị trễ kinh, bạn nên ăn nhiều rau xanh, uống các loại nước trái cây và rau củ được chứng minh là tốt cho việc ổn định kinh nguyệt. Bạn có thể dùng một số thực phẩm sau:

  • Nước ép rau cần tây: Bạn rửa sạch rau cần tây, ép lấy khoảng 75ml nước và uống mỗi ngày cho đến khi có kinh nguyệt xuất hiện.
  • Hạt củ cải: Nghiền nát hạt củ cải thành bột mịn rồi cho vào một ít nước và sữa bò hoặc bơ để tạo thành một hỗn hợp sền sệt, sau đó ăn mỗi ngày. Bạn có thể ăn trước thời gian hành kinh khoảng 1 tuần để kinh nguyệt đến đúng ngày hơn.
  • Gừng: Gừng là thực phẩm có thể giúp ổn định kinh nguyệt. Bạn chỉ cần gọt vỏ và rửa sạch củ gừng tươi, đập dập rồi cho vào nồi đun sôi cùng với 240ml nước trong khoảng 3 – 5 phút. Chờ bớt nóng thì thêm 1 ít mật ong hoặc đường vào để dễ uống. Dùng sau bữa ăn 3 lần/ngày.
  • Tinh bột nghệ: Loại thực phẩm này rất tốt cho sức khỏe chị em phụ nữ. Bạn có thể hòa ¼ muỗng cà phê bột nghệ nguyên chất với sữa và mật ong hoặc đường thốt nốt dùng hàng ngày để kích thích kinh nguyệt ra đúng ngày.

Lưu ý: Ngoài việc tập luyện và dùng các thực phẩm trên thì bạn cần hạn chế uống rượu, bia, cà phê, đồng thời có lối sống khoa học như ngủ đủ giấc, không thức khuya, giảm căng thẳng và áp lực trong công việc, duy trì cân nặng hợp lý để tránh lặp lại tình trạng chậm kinh mỗi tháng.