Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc sử bệnh dụng chất tạo ngọt nhân tạo trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, tim mạch và thậm chí rút ngắn tuổi thọ.
Giáo sư Yihai Cao, tác giả chính của nghiên cứu và chuyên gia về các bệnh mãn tính liên quan đến rối loạn mạch máu tại Viện Karolinska, chia sẻ: “Tôi thấy một sinh viên của mình đang uống loại nước ngọt không đường này và tôi tự hỏi: ‘Tại sao không nghiên cứu về nó?’”.
Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Cao tập trung tìm hiểu cách chất aspartame, một loại chất tạo ngọt nhân tạo có trong nước ngọt ăn kiêng, kẹo cao su và sữa chua ít đường, có thể gây hại như thế nào.

Aspartame, một trong những chất thay thế đường phổ biến nhất, có khả năng làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. - Ảnh: stock.adobe.com.
Aspartame có độ ngọt gấp khoảng 200 lần so với đường và được bán trên thị trường dưới các thương hiệu như Nutrasweet, Equal và Sugar Twin.
Năm 2023, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp aspartame vào danh mục “có thể gây ung thư cho con người”.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã cho chuột ăn thực phẩm có chứa 0,15% aspartame mỗi ngày trong 12 tuần, tương đương với lượng aspartame trong khoảng 3 lon nước ngọt không đường mỗi ngày đối với con người.
Kết quả cho thấy, những con chuột tiêu thụ aspartame phát triển các mảng bám lớn hơn và có nhiều chất béo hơn trong động mạch, đồng thời có mức độ viêm nhiễm cao hơn, một yếu tố quan trọng gây ra bệnh tim mạch.
Nhóm nghiên cứu xác định rằng, insulin tăng cao là nguyên nhân gây tích tụ mảng xơ vữa trong động mạch. Đặc biệt, tín hiệu miễn dịch CX3CL1 hoạt động mạnh hơn khi có sự kích thích của insulin.
Ông Cao giải thích rằng, máu chảy qua động mạch với áp lực mạnh, do đó hầu hết các hóa chất sẽ nhanh chóng bị cuốn trôi theo dòng chảy trong máu.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là tín hiệu miễn dịch CX3CL1 lại không như vậy. Nó bám chặt vào bề mặt lớp lót bên trong mạch máu, hoạt động như một ‘mồi nhử’, giữ lại các tế bào miễn dịch khi chúng đi qua.
Theo ông Cao, nhiều tế bào miễn dịch bị mắc kẹt này có khả năng kích thích tình trạng viêm mạch máu.
Khi các nhà nghiên cứu loại bỏ thụ thể CX3CL1 khỏi một số tế bào miễn dịch ở chuột được cho ăn aspartame, sự tích tụ mảng xơ vữa không còn diễn ra.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Cell Metabolism vào ngày 19/02.
Nhóm của Giáo sư Cao dự định tiếp tục kiểm chứng những phát hiện này trên người, đồng thời nghiên cứu sâu hơn về CX3CL1, vì viêm mạch máu có thể dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng như đột quỵ, viêm khớp và tiểu đường.
Ông Cao nhấn mạnh rằng, chất tạo ngọt nhân tạo đã có mặt trong hầu hết các loại thực phẩm, vì vậy chúng ta cần hiểu rõ tác động lâu dài của chúng đối với sức khỏe.
Bà Stephanie Schiff, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Northwell Huntington, Mỹ, khuyến nghị mọi người nên loại bỏ cả đường và chất tạo ngọt nhân tạo khỏi chế độ ăn uống.
Với người mắc tiểu đường, cô đề xuất sử dụng các chất tạo ngọt tự nhiên như allulose, quả la hán hoặc đường stevia không chứa erythritol, chất có liên quan đến nguy cơ đau tim và đột quỵ. Ngoài ra, bà Schiff gợi ý có thể làm ngọt thực phẩm bằng trái cây hoặc dần thích nghi với chế độ ăn ít ngọt hơn.