Chờ...

Chỉ số BMI và các vấn đề liên quan đến thừa cân, béo phì khi mang thai

(VOH) – Trong quá trình mang thai việc tăng cân hợp lý là đều cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để xác định chỉ BMI nhằm tránh tình trạng thừa cân, béo phì ở thai phụ thì không phải ai cũng cũng biết.

Chỉ số BMI trong thai kỳ như thế nào là tốt nhất?

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà (Giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM), để xác định trọng lượng trong thai kỳ của mẹ bầu, bác sĩ thường dựa vào chỉ số BMI (chỉ số khối của cơ thể). Chỉ số BMI được tính bằng công thức:

BMI = Cân nặng / (chiều cao x chiều cao)

Trong đó: Chiều cao được tính mà mét (m) và cân nặng được tính bằng kí-lô-gam (kg).

Theo công thức tính BMI, người ta phân loại mức độ gầy – béo của một người như sau:

  • Người cân nặng thấp (gầy): < 18.5
  • Người bình thường: 18.5 – 24.5
  • Người thừa cân: 25 – 29.9
  • Người béo phì: ≥ 30

chi-so-bmi-va-cac-van-de-lien-quan-den-thua-can-beo-phi-trong-thai-ky-voh

Theo dõi trọng lượng cơ thể là điều mẹ bầu cần quan tâm (Nguồn: Internet)

Như vậy, dựa vào chỉ số BMI của mẹ bầu trước khi mang thai sẽ đánh giá được tình trạng cơ thể, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra mức cân nặng cần tăng trong thai kỳ. Với một thai phụ có chỉ số BMI bình thường (trong khoảng từ 18.5 – 24.5) thì thai phụ chỉ cần tăng từ 10 – 12kg cho cả thai kỳ. Số kg cần tăng trong từng giai đoạn là:

  • 3 tháng đầu thai kỳ tăng khoảng 1kg.
  • 3 tháng giữa thai kỳ tăng từ 4 – 5kg.
  • 3 tháng cuối thai kỳ tăng từ 5 – 6 kg.

Với những phụ nữ bị thiếu cân (chỉ số BMI <18.5) thì trọng lượng cần phải tăng trong thai kỳ cần lớn hơn hoặc bằng 25% trọng lượng trước khi mang thai. Ngược lại, những phụ nữ thừa cân (chỉ số BMI từ 25 – 29.9) thì mẹ bầu chỉ được tăng khoảng 15% trong lượng trước khi mang thai, nhằm hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì trong thai kỳ.

Lưu ý: Để tính toán trọng lượng cơ thể của mẹ bầu trong thai kỳ chỉ nên dựa vào chỉ số khối cơ thể BMI. Tất cả các phương pháp xác định trọng lượng cơ thể khác đều không thể đưa ra kết quả chính xác nhất.

Thừa cân, béo phì khi mang thai tiềm ẩn những nguy cơ nào?

TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, đối với người bình thường hay phụ nữ mang thai khi gặp tình trạng thừa cân, béo phì đều có nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe cho chính người mẹ và thai nhi.

Ảnh hưởng đối với mẹ 

Khi mang thai, nội tiết tố thai kỳ sẽ được tiết ra nhiều hơn, khiến huyết áp tăng lên gây nên tình trạng tăng huyết áp, từ đó làm tăng nguy cơ mắc chứng tiền sản giật và sản giật – một bệnh lý đặc biệt nguy hiểm trong thai kỳ. 

Ngoài ra, mẹ bầu bị béo phì còn đối mặt với tình trạng tiểu đường thai kỳ. Đây cũng là một bệnh lý nguy hiểm vì có thể làm tổn thương đa cơ quan như: thận, mạch máu, gan,... 

chi-so-bmi-va-cac-van-de-lien-quan-den-thua-can-beo-phi-trong-thai-ky-1-voh

Phụ nữ mang thai bị béo phì phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe (Nguồn: Internet)

Ảnh hưởng đối với thai nhi

Mẹ bầu bị béo phì sẽ tăng nguy cơ bị tăng huyết áptiểu đường. Chính 2 bệnh lý này sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe thai nhi. Những nguy cơ mà bé có thể gặp phải là:

  • Khó phát hiện những bất thường ở thai nhi.
  • Có thể gây sảy thai, sinh non.
  • Tăng nguy cơ mổ lấy thai, khiến em bé sinh ra dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết,... thậm chí tử vong.

Do đó, phụ nữ khi mang thai cần phải lưu ý đến cân nặng để tránh gặp phải những vấn đề sức khỏe không mong muốn như: cao huyết áp, tiền sản giật, tiểu đường,... đặc biệt là có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi trong bụng.

Chế độ dinh dưỡng như thế nào là hợp lý trong thai kỳ?

Thông thường, mỗi mẹ bầu sẽ có một chế độ dinh dưỡng khác nhau trong thai kỳ, tuy nhiên với phụ nữ béo phì nhu cầu ăn sẽ tăng hơn người bình thường, cũng như không thể kiểm soát cơn thèm ăn. Do đó, những mẹ bầu bị thừa cân béo phì khi mang thai cần phải lưu ý:

  • Tham vấn ý kiến chuyên gia dinh dưỡng về một chế độ ăn lành mạnh để có thể “khống chế” được trọng lượng cơ thể nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển.
  • Xây dựng một chế độ sinh hoạt đều độ, luyện tập thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, yoga dành cho phụ nữ mang thai,...
  • Khám sản khoa định kỳ.

Nhìn chung, thừa cân béo phì trong thai kỳ có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ bầu cũng như thai nhi và thậm chí là có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, cho nên việc theo dõi cân cân nặng thai kỳ kết hợp một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khám thai đều đặn là biện pháp tốt nhất để mẹ bầu có một đứa con khỏe mạnh và sự an toàn trong cả thai kỳ.

Bạn có thể xem lại nội dung ngắn gọn của bài viết tại video dưới đây:

Tăng huyết áp thai kỳ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị : Tăng huyết áp thai kỳ là nguyên nhân chính gây ra chứng tiền sản giật cũng như nhiều vấn đề sức khỏe. Việc nhận biết sớm các triệu chứng sẽ giúp mẹ bầu phòng ngừa và điều trị tốt hơn.

Tiền sản giật: Biến chứng nguy hiểm nhất ở phụ nữ mang thai : Tiền sản giật là một biến chứng đặc biệt nghiệm trọng xuất hiện trong thai kỳ, có khả năng làm tăng nguy cơ rủi ro thai chết lưu hoặc sinh non, thậm chí nguy hiểm đến sức khỏe của người mẹ.