Bệnh gút nếu không kiên trì điều trị, các cơn đau khớp có thể diễn tiến nặng hơn. Ở giai đoạn muộn, bệnh gút làm xuất hiện những u, cục xung quanh khớp, có nguy cơ làm biến dạng khớp. Vì vậy, khi bị bệnh gút bạn nên kiên trì và tích cực điều trị.
1. Có nên chữa bệnh gút bằng thuốc nam hay không?
Gút (hay gout) còn gọi là bệnh thống phong, là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc axit uric từ trong máu. Axit uric thường vô hại và được hình thành trong cơ thể, sau đó sẽ được đào thải qua nước tiểu và phân. Với người bị bệnh gout, lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian. Khi nồng độ này quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành. Những tinh thể này tập trung lại ở khớp, gây viêm, sưng và đau đớn cho bệnh nhân.
Bệnh gút gây viêm và sưng đau khớp (Nguồn: Internet)
Gút là bệnh khó điều trị dứt điểm, những đợt viêm khớp cấp có thể tái phát thường xuyên, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, quá trình điều trị bệnh gút thường kéo dài, điều này khiến người bệnh không khỏi lo lắng khi phải sử dụng thuốc Tây kéo dài. Vì vậy, sử dụng thuốc nam là một lợi thế trong điều trị bệnh gút.
Ưu điểm của các loại thuốc nam là:
- Có nguồn gốc tự nhiên, lành tính.
- Thuốc có tác dụng lợi tiểu, tăng khả năng đào thải axit uric ra ngoài cơ thể và giảm đau.
- Không gây tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài.
Tuy nhiên, hiệu quả của các loại cây thuốc nam thường chậm hơn thuốc Tây và hiệu quả còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ thuốc của từng cơ thể bệnh nhân.
Để không gặp tác dụng phụ do sử dụng thuốc Tây kéo dài, nhiều bệnh nhân mong muốn chữa trị bệnh gout bằng thuốc nam. Vậy thuốc nam chữa bệnh gút có những loại nào?
2. Các cách chữa bệnh gút bằng thuốc nam
Trong dân gian, có rất nhiều cây thuốc nam có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gút. Dưới đây là một số cây thuốc nam chữa bệnh gút được sử dụng phổ biến nhất:
2.1 Chữa bệnh gút bằng lá tía tô
Tía tô (còn gọi là é tía, tử tô, xích tô…) có tính ấm, vị cay, là loại cây thảo sống quanh năm. Đây là loại rau thơm rất phổ biến, không chỉ dùng để ăn kèm với nhiều món ngon mà nó còn có tác dụng chữa bệnh.
Lá tía tô hỗ trợ chữa bệnh gút (Nguồn: Internet)
Theo PGS.TS Trần Công Khanh (Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền) nhờ chứa lượng tinh dầu lớn nên tía tô có tác dụng giảm đau chống viêm, giãn mạch, ngăn chặn quá trình nhiễm khuẩn giúp chữa nhanh cơn đau gút cấp tính.
Một số nghiên cứu của Nhật Bản đã tìm thấy có 4 chất khác nhau trong tía tô có khả năng ức chế các enzym xanthine oxidase – loại enzyme thúc đẩy sự hình thành axit uric. Lá tía tô giúp chống viêm, làm lợi tiểu nên giúp đào thải phần nào axit uric trong máu, từ đó giúp người bệnh giảm đau nhức trong vài giờ.
Cách dùng tía tô chữa bệnh gút:
- Chỉ cần lấy lá tía tô rửa sạch cho vào nồi nước, đem đun sôi, sau đó chắt lấy nước uống hàng ngày. Lưu ý, không đun sôi quá 15 phút vì đun lâu sẽ làm mất tinh dầu trong lá. Cách này giúp giảm sưng, chống viêm và tăng khả năng đào thải axit uric ra khỏi cơ thể.
- Lấy lá và cành tía tô rửa sạch, giã nát rồi đắp vào chỗ khớp bị sưng viêm, tình trạng bệnh sẽ được cải thiện rõ rệt.
- Sắc nước lá tía tô và ngâm chân mỗi ngày khoảng 30 phút sẽ giảm thiểu các cơn đau do gút.
- Có thể dùng bột tía tô pha nước uống mỗi ngày để hỗ trợ chữa bệnh gút. Hoặc trộn bột tía tô với nước nóng thành hỗn hợp cao nhão, đắp lên vùng khớp sưng đỏ giúp giảm tình trạng đau nhức.
2.2 Chữa bệnh gút bằng lá lốt
Lá lốt là loại rau thông dụng, trong dân gian người ta thường dùng lá lốt đơn lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc nam khác như rễ cỏ xước, lá xương sông, rễ bưởi bung,…sắc lấy nước uống hoặc ngâm tay chân để chữa các chứng đau xương, thấp khớp, tê thấp…
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lá lốt có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Vì vậy, việc dùng lá lốt để hỗ trợ chữa bệnh gút là có cơ sở.
Cách dùng lá lốt chữa bệnh gút:
Dùng 5 – 10 lá lốt khô, sắc với 2 chén nước, còn 1 chén. Uống chén nước này sau bữa ăn tối.
Dùng khoảng 30g lá lốt, đun sôi với 1 lít nước, cho thêm muối, chờ khi nước bớt nóng thì cho tay, chân vào ngâm trong khoảng 30 phút.
2.3 Chữa bệnh gút bằng lá trầu không
Trong lá trầu có chứa 2,4% tinh dầu bao gồm các nhóm hoạt chất như: Eugenol, Chavicol, Chavibetol, Estragol… Tổ hợp các chất của nó có tác dụng như chất chống viêm khớp, phục hồi các hư tổn ở khớp, ngoài ra nó còn có tác dụng giảm đau thần kinh.
Đặc biệt, lá trầu có khả năng cải thiện các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, giúp hấp thu khoáng chất, vitamin tốt hơn. Đồng thời cũng giúp đào thải các chất cặn bã độc hại dễ dàng hơn.
Vì vậy, lá trầu không là vị thuốc nam có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh gút khá tốt.
Cách dùng lá trầu không chữa bệnh gút:
Dùng 100g lá trầu không tươi và 1 quả dừa tươi. Lá trầu đem rửa sạch, thái nhuyễn. Sau đó ngâm lá trầu với nước dừa khoảng 30 phút thì vớt bỏ bã, chắt lấy nước để uống mỗi sáng khi chưa ăn gì. Đợi khi đi tiểu xong thì mới ăn sáng.
2.4 Chữa bệnh gút bằng lá vối
Theo sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi, lá vối và các bộ phận của cây vối như nụ vối,… hoàn toàn lành tính và không gây độc đối với cơ thể người. Chính vì vậy, người xưa thường sử dụng loại cây này để nấu nước uống, giúp chữa đau viêm đại tràng, tiêu chảy và làm mát cơ thể. Ngoài ra, loại cây này còn được dùng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau trong đó có bệnh gút.
Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng (Hội các ngành sinh học Việt Nam), lá vối được xem là cứu tinh của người bệnh gút. Nó không chỉ giúp thanh lọc cơ thể mà còn có tác dụng đào thải axit uric ra ngoài cơ thể, đồng thời giúp cải thiện triệu chứng bệnh của bệnh gút.
Cách dùng lá vối chữa bệnh gút:
Sử dụng một nắm lá vối tươi hoặc khô đem rửa sạch rồi vò nát. Sau đó cho lá vối vào ấm nước và đun sôi. Người bệnh có thể uống nước lá vối ấm hoặc lạnh đều được.
2.5 Chữa bệnh gút bằng cây lược vàng
Cây lược vàng chứa hợp chất steroid và flavonoid, đây là 2 hoạt chất có tác dụng tăng cường độ bền của mạch máu, hỗ trợ hiệu quả hoạt động của vitamin C trong cơ thể, đồng thời ngăn chặn sự xơ cứng các khớp và sự phát triển của các khối u, chống oxy hóa mạnh mẽ.
Cây lược vàng (Nguồn: Internet)
Theo y học hiện đại, nhờ có thành phần Steroid, Quercetin, Kaempferol,…nên cây lược vàng có thể dùng để hỗ trợ chữa bệnh gút cấp và mãn tính, bệnh dị ứng, viêm nhiễm ngoài da,…
Cách dùng cây lược vàng chữa bệnh gút:
- Đem cây lược vàng rửa sạch và cắt thành từng khúc nhỏ, sau đó cho từ 1 - 1.5 lít rượu trắng vào ngâm khoảng 15 - 30 ngày. Khi rượu chuyển sang màu đỏ là có thể sử dụng. Mỗi ngày bạn uống 3 lần, mỗi lần uống 1 chén nhỏ trước bữa ăn 30 phút. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng rượu lược vàng để xoa bóp vùng khớp bị đau nhức.
- Dùng thân và lá cây lược vàng đem thái nhỏ và phơi khô. Mỗi ngày cho một nắm lược vàng khô vào ấm sắc kỹ với nước hoặc hãm trong nước sôi thành trà để uống thay nước trong ngày.
2.6 Chữa bệnh gút bằng lá sa kê
Theo y học cổ truyền, lá sa kê có tác dụng sát khuẩn, tiêu viêm, lợi tiểu thường được sử dụng trong các bài thuốc điều trị cao huyết áp, tiểu đường, tiêu chảy,… Đặc biệt, lá sa kê còn được sử dụng như một bài thuốc có tác dụng điều trị bệnh gút nhờ đặc tính lợi tiểu, mát gan, tăng cường đào thải các chất độc trong cơ thể. Từ đó, giúp làm giảm lượng axit uric trong máu, ngăn ngừa bệnh phát triển.
Cách dùng lá sa kê chữa bệnh gút:
Dùng khoảng 4 – 5 lá sa kê, rửa sạch, nấu với 2 lít nước. Uống nước này mỗi ngày.
2.7 Chữa bệnh gút bằng chuối hột
Theo Y học cổ truyền, chuối hột có vị chát, công dụng thanh nhiệt, giải độc, thúc đẩy quá trình lưu thông máu trong cơ thể. Ngoài ra, loại quả này còn có khả năng sát trùng, chống viêm.
Khi kết hợp chuối hột với củ ráy sẽ tạo ra bài thuốc có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh gút hiệu quả.
Cách dùng chuối hột chữa bệnh gút:
Chọn chuối hột chín cây (chuối hột rừng càng tốt), rửa sạch, bóc vỏ, xắt lát rồi phơi khô. Củ rát cắt lát, phơi khô. Lấy chuối hột và củ ráy theo tỷ lệ 50:50, xay thành bột rồi cho vào lọ thủy tinh, cất giữ ở nơi khô ráo. Mỗi ngày, uống 2 lần bột chuối hột và củ ráy, mỗi lần uống 1 muỗng cà phê.
3. Những lưu ý khi chữa bệnh gút bằng thuốc nam
Thuốc nam có thể hỗ trợ chữa bệnh gút nhưng khi áp dụng bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Có rất nhiều cây thuốc nam chữa bệnh gút. Vì vậy, trước khi sử dụng bạn nên thăm khám và tham khảo ý kiến thầy thuốc để sử dụng loại thuốc nam phù hợp với cơ địa của mình.
- Thuốc nam có tác dụng chậm hơn thuốc Tây, vì vậy bạn phải kiên trì thực hiện mới thấy được hiệu quả.
- Các cách chữa bệnh gút bằng thuốc nam trên đa số đều dựa theo kinh nghiệm dân gian nên chỉ mang tính chất tham khảo. Một số cây thuốc nam có thể có hoặc chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh. Vì vậy, bạn không nên tin tuyệt đối vào các bài thuốc này mà bỏ qua quá trình điều trị bằng y học hiện đại.
- Bên cạnh dùng thuốc nam thì người bệnh cũng cần có lối sống và chế độ ăn uống khoa học như không sử dụng bia rượu, thuốc lá, thường xuyên tập thể dục thể thao để tăng cường sự dẻo dai của xương khớp, hạn chế ăn các loại hải sản chứa nhiều đạm, nên tăng cường rau xanh, trái cây,…