Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Dấu hiệu nào cho thấy khoai tây có thể gây ngộ độc?

VOH - Ngoài việc mọc mầm, khi thấy vỏ khoai tây “đổi màu” thì không thể ăn được, nếu ăn sẽ gây ngộ độc.

Một chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng, trước đây bất ngờ tìm thấy một ít củ khoai tây đã để trong tủ lạnh một thời gian dài, vì chưa mọc mầm, chỉ có vỏ hơi “đổi màu” sang xanh nên nghĩ số khoai tây này vẫn có thể ăn được.

Nhưng khi vị chuyên gia ăn xong những củ khoai đó, ngay trong đêm liền bị “ngộ độc solanine”, với biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, ói mửa và đau bụng dữ dội.

Dấu hiệu nào cho thấy khoai tây có thể gây ngộ độc? 1
Hàm lượng “solanine” trong khoai tây vào khoảng 50-100 mg/kg, với hàm lượng này sẽ không gây hại cho cơ thể con người và không gây ngộ độc - Ảnh: TVBS 

Trải nghiệm của chuyên gia dinh dưỡng

Guo Yanting – chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ gần đây có mua một ít khoai tây và bỏ vào tủ lạnh nhưng sau đó quên đi “sự tồn tại” của nó. Và hôm nay, Guo mở tủ lạnh đột nhiên nhìn thấy mấy củ khoai tây này và muốn nấu ăn.

Mặc dù những củ khoai tây chưa mọc mầm, nhìn chỉ hơi “đổi màu” và có màu xanh nhưng thật là “lãng phí và tiếc của” nếu vứt bỏ chúng đi. Vì vậy, chuyên gia đã đem số khoai tây này đi luộc lên ăn.  

Không ngờ, vừa ăn xong không bao lâu vị chuyên gia liền bắt đầu cảm thấy buồn nôn, ói mửa, chóng mặt, nhức đầu, bụng nóng rát… cố gắng nghỉ ngơi vẫn không bớt mà lại càng cảm thấy khó chịu hơn, bụng càng ngày càng đau dữ dội.

Khi khoai tây mọc mầm và vỏ đổi màu xanh là đã nhiễm độc tố

Guo Yanting cho biết, là một chuyên gia về lãnh vực dinh dưỡng nên cảm thấy rất “xấu hổ” khi ăn phải khoai tây đã bị nhiễm độc tố.

Khi củ khoai tây mọc mầm hoặc vỏ của nó chuyển sang màu xanh, không chỉ phần mọc mầm hoặc vỏ màu xanh mà toàn bộ củ khoai tây sẽ sản sinh ra chất độc hại “solanine”.

Solanine là một chất rất độc, thậm chí với hàm lượng rất nhỏ. Ngộ độc solanin chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa và thần kinh.

Chuyên gia Guo Yanting giải thích rằng, một số loại khoai tây có hàm lượng solanine cao sẽ khiến lưỡi bị tê khi ăn vào.

Các triệu chứng phổ biến của “ngộ độc solanine” bao gồm ngứa họng, nóng rát dạ dày, nhức đầu, chóng mặt ảo giác, mất cảm giác, buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy.

Thời gian bị ngộ độc chủ yếu là sau khi ăn từ 2 đến 24 giờ, tiêu chảy có thể kéo dài từ 3 đến 6 ngày.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, hàm lượng solanine trong khoai tây nên dưới 200 mg/kg, với hàm lượng này sẽ không gây ngộ độc và gây hại cho cơ thể con người.

Thông thường hàm lượng solanine trong khoai tây vào khoảng 50-100 mg/kg, sẽ không gây hại cho cơ thể con người và không gây ngộ độc.

Tuy nhiên, sau khi khoai tây mọc mầm hoặc vỏ khoai tây chuyển sang màu xanh khi tiếp xúc với ánh sáng, độc tố của nó có thể tăng lên gấp 5 đến 6 lần, ngay cả khi loại bỏ phần mọc mầm ra và cạo sạch vỏ đã đổi màu thì độc tố vẫn “tồn tại” trong khoai tây, ăn vào sẽ gây ngộ độc.

Chất solanine cũng sẽ không bị phân hủy trong quá trình nấu nướng, nên sau khi nấu chín vẫn có thể gây ngộ độc.

Chuyên gia Guo Yanting khuyến cáo với mọi người rằng, thực phẩm tươi nên ăn càng tươi càng tốt, nếu nó đã hư hỏng chẳng hạn như khoai tây mọc mầm hoặc vỏ chuyển sang xanh thì đừng sợ lãng phí mà không dám vứt bỏ và cố gắng ăn cho bằng được thì sẽ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Dấu hiệu nào cho thấy khoai tây có thể gây ngộ độc? 2
Ngoài việc mọc mầm, khi thấy vỏ khoai tây “đổi màu” thì không thể ăn được, nếu ăn sẽ gây ngộ độc - Ảnh: TVBS

Cách bảo quản khoai tây: Cần nhiệt độ thấp và bóng tối

Chuyên gia dinh dưỡng Guo Yanting nói thêm rằng, “chìa khóa vàng” để bảo quản khoai tây đúng cách là phải có “nhiệt độ thấp và tránh ánh sáng”.

Làm tốt hai điều này, mọi người mới có thể kéo dài “độ tươi ngon” của khoai tây. Tuy nhiên, độ tươi ngon của khoai tây của mỗi người tiêu dùng mua về từ các chợ hoặc siêu thị là khác nhau, nếu là khoai tây mới thu hoạch thì bảo quản trong tủ lạnh hơn 1 tháng cũng không có vấn đề gì.

Mọi người có thể bảo quản khoai tây được lâu hơn ở ngăn mát tủ lạnh, nhưng tuyệt đối không để khoai tây ở trong ngăn đông tủ lạnh, vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến màu sắc và mùi vị của khoai tây, ăn sẽ không còn ngon nữa.

Nhất là phần tinh bột trong khoai tây sẽ bị chuyển hóa thành đường nên khi chế biến sẽ làm cho khoai tây có vị quá ngọt, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng, nhất là đối với những gười mắc bệnh tiểu đường.