Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dịch Covid-19: Biến chủng Omicron nguy hiểm như thế nào?

(VOH) - Biến chủng Omicron được cho là có thể lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta.

Nguồn gốc phát hiện biến chủng Omicron

Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana - quốc gia láng giềng của Nam Phi. Giới chức y tế Nam Phi hôm 23/11 phát hiện biến chủng mới trong mẫu bệnh phẩm thu ngày 14-16/11, sau đó thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đến ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2, được gọi là Omicron được phát hiện tại một số quốc gia Nam Châu Phi như Nam Phi, Botswana... 

Biến chủng Omicron, covid-19
Biến chủng Omicroncó thể lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta

Ngày 26/11, WHO đặt tên Omicron cho biến chủng B.1.1.529, đồng thời yêu cầu các quốc gia tăng cường nỗ lực giám sát và giải trình tự gen để hiểu rõ hơn về chủng mới.

Biến chủng Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (có thể lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta).

Đặc biệt, biến chủng Omicron được cho là ảnh hưởng tới người ở nhóm tuổi dưới 25.

Xem thêm: Tin Covid-19 ngày 28/11: Nhiều nước cấm chuyến bay từ Nam Phi do lo ngại biến chủng Omicron

Biến chủng Omicron đang lây lan siêu nhanh

Chưa đầy hai tuần sau khi được phát hiện, biến chủng Omicron từ châu Phi lan tới châu Á. Ngày 25/11, Hong Kong đưa tin phát hiện ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên tại đặc khu trên một người trở về từ Nam Phi.

Sau đó một ngày, Bộ Y tế Israel thông báo phát hiện một ca nhiễm và hai ca nghi nhiễm biến chủng B.1.1.529. Ca nhiễm là một người trở về từ Malawi.

Một ngày sau, châu Âu ghi nhận ca nhiễm B.1.1.529 đầu tiên, là một người chưa tiêm vắc xin tại Bỉ. Mỹ tới nay chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng mới.

Nhiều nước châu Âu, trong đó có Italy, Đan Mạch, Đức và Hà Lan, ngày 28/11 đã ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

Đức hiện đã ban bố hạn chế đi lại bằng đường hàng không với Nam Phi từ ngày 28/11, theo đó chỉ công dân Đức từ Nam Phi trở về được phép nhận cảnh và sẽ phải cách ly 14 ngày, kể cả những người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19. 

Chính quyền tỉnh Ontario (Canada) ngày 28/11 đã xác nhận hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron ở thủ đô Ottawa là những người mới đây đã có chuyến đi tới Nigeria.

Thông tin trên được công bố sau khi Canada thực hiện lệnh cấm công dân nước ngoài nhập cảnh nếu những người này đã đến một số quốc gia ở phía Nam châu Phi (Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini hoặc Mozambique) hai tuần trước đó. Lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 26/11.

Biến chủng Omicron khiến nhiều quốc gia (như Mỹ, Brazil, Canada, Iran, Nhật Bản, Thái Lan...) đình chỉ chuyến bay hoặc cấm người đến từ khu vực phía nam châu Phi. Các quốc gia chịu ảnh hưởng của lệnh cấm bao gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Namibia, Zambia, Mozambique, Malawi và Zimbabwe.

Riêng Israel ngày 27/11 đã ngưng nhập cảnh với toàn bộ người nước ngoài, là quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng hoàn toàn biên giới để đối phó với biến chủng.

Biến chủng Omicron, covid-19
Nhiều quốc gia đã áp đặt các hạn chế đối với việc đi lại từ miền nam châu Phi sau khi biến chủng Omicron được phát hiện (Ảnh: Reuters)

WHO đề nghị người dân tiếp tục đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn với những người xung quanh, tránh những nơi đông người, kín khí, sát khuẩn tay thường xuyên, che miệng khi ho, hắt hơi và đi tiêm phòng để giảm nguy cơ nhiễm Covid-19.

Theo WHO, ngay cả sau khi chủng ngừa, cộng đồng vẫn nên duy trì các biện pháp phòng ngừa, tránh để lây lan Covid-19 cho người khác, đặc biệt nhóm dễ chuyển nặng sau khi mắc bệnh.

Việt Nam chưa phát hiện biến chủng Omicron

Tại Việt Nam đến nay qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron.

Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi; đồng thời đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của virus SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Bình luận