Chờ...

Dịch virus corona: Vì sao người hay bị lây bệnh từ động vật?

(VOH) - Chủng virus corona mới đang gây ra đại dịch toàn cầu được cho là có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Điều này cho thấy rõ nguy cơ mà con người đang phải đối mặt do các bệnh lây từ động vật.

Đây có thể sẽ là một trong những vấn đề quan trọng trong tương lai, bởi biến đổi khí hậu và quá trình toàn cầu hóa đã làm thay đổi cách thức tương tác giữa con người và động vật.

Động vật lây bệnh cho con người thế nào?

Trong 50 năm qua, một loạt các bệnh truyền nhiễm đã lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới.

Cuộc khủng hoảng HIV/AIDS những năm 1980 bắt nguồn từ loài vượn lớn, còn dịch cúm gia cầm 2004-2007 xuất phát từ chim; và heo đã gây ra đại dịch cúm heo năm 2009.

Năm 2003, người ta phát hiện ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) xuất phát từ dơi, thông qua trung gian là cầy hương; nhưng dơi cũng gây dịch Ebola, giết chết hàng vạn người.

Con người luôn nhiễm các loại bệnh từ động vật. Trên thực tế, hầu hết các bệnh truyền nhiễm mới đều đến từ động vật hoang dã. Tuy nhiên, chính sự thay đổi của môi trường đang đẩy nhanh tiến trình này; đồng thời nhịp sống đô thị và sự phát triển của du lịch quốc tế khiến những căn bệnh như thế này lây lan nhanh hơn một khi xuất hiện.

Bệnh từ loài này lây sang loài khác như thế nào?

Hầu hết động vật đều mang trong mình một loạt các mầm bệnh - các loại vi khuẩn và virus có thể gây bệnh. Khả năng tiến hóa của mầm bệnh phụ thuộc vào khả năng lây nhiễm sang vật chủ mới, và nhảy sang loài khác là một cách để thực hiện điều này.

Hệ thống miễn dịch của vật chủ mới sẽ cố gắng để tiêu diệt mầm bệnh, nghĩa là cả hai - vật chủ mới và mầm bệnh - bị giam trong một trò chơi tiến hóa vĩnh cửu, tức là chúng sẽ cố gắng tìm ra những cách thức mới nhằm tiêu diệt lẫn nhau.

Chẳng hạn, khoảng 10% số người nhiễm bệnh đã thiệt mạng trong dịch SARS năm 2003, so với chỉ dưới 0,1% do cúm thông thường.

Sự thay đổi về môi trường sống và biến đổi khí hậu đang thay đổi hay thậm chí triệt tiêu môi trường sống của các loài động vật, thay đổi cách thức động vật sinh tồn, cư trú và chuỗi thức ăn.

Ngay cách sống của con người cũng thay đổi, 55% dân số toàn cầu hiện đang sống ở các đô thị, tăng so với con số 35% của 50 năm trước.

Và những đô thị vốn ngày càng mở rộng về không gian này đang thành những 'ngôi nhà' mới cho động vật hoang dã - chuột, gấu trúc, sóc, cáo, chim, chó rừng, khỉ - có thể sống trong các không gian xanh đô thị như công viên và vườn, ăn những thực phẩm mà con người bỏ lại tại đó.

Thông thường, các loài động vật hoang dã dễ thích nghi với cuộc sống ở đô thị hơn so với thay đổi trong tự nhiên, bởi nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào, khiến không gian đô thị trở thành 'nồi hầm' cho sự tiến hóa của các mầm bệnh.

Một số hình ảnh của chợ Hoa Nam - nơi được cho là xuất phát đầu tiên của dịch bệnh do virus corona. Nơi đây chuyên bày bán, giết mổ hải sản và động vật hoang dã. Hiện tại ngôi chợ đã dừng hoạt động. Ảnh: AFP, Reuters

Nhóm nào có nguy cơ cao nhất?

Các bệnh mới trong vật chủ mới thường nguy hiểm hơn, đó là lý do tại sao bất kỳ bệnh tật mới nào nổi lên cũng rất đáng quan tâm. Một số nhóm người sẽ dễ bị mắc các bệnh mới này hơn so với những nhóm người khác.

Chẳng hạn, cư dân nghèo ở đô thị thường phải làm các công việc như dọn dẹp và vệ sinh, điều này khiến họ dễ gặp các nguồn và người mang mầm bệnh hơn so với các nhóm khác.

Họ cũng có thể có hệ thống miễn dịch yếu hơn do dinh dưỡng kém và ít có điều kiện tiếp xúc với không khí trong lành hoặc phải làm việc trong các điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Và nếu họ ốm, có thể họ sẽ không đủ khả năng để tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế.

Bệnh mới cũng dễ lây lan hơn tại các đô thị lớn, do dân số những nơi này thường đông, mọi người chen nhau trong cùng không gian nhỏ và chạm vào cùng một bề mặt.

Trong một số nền văn hóa, người ta cũng ăn thịt một số loại động vật hoang dã.

Bệnh tật thay đổi hành vi chúng ta thế nào?

Các quốc gia trên thế giới đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới gây ra lây lan.

Lệnh cấm đi lại hiện được áp dụng tại nhiều nơi, nhưng ngay cả khi không có lệnh này, mọi người vẫn sợ ra ngoài do lo ngại sẽ tiếp xúc với các trường hợp đã nhiễm bệnh. Việc đi lại xuyên biên giới trở nên khó khăn hơn, lao động nhập cư theo mùa không thể di chuyển, khiến chuỗi cung ứng lao động bị gián đoạn.

Năm 2003, dịch SARS gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu ước tính khoảng 40 tỷ USD chỉ trong có 6 tháng. Điều này một phần là do chi phí điều trị cho bệnh nhân, nhưng cũng do các hoạt động kinh tế và du lịch của con người bị gián đoạn.

Chúng ta có thể làm gì?

Các chính phủ thường có xu hướng coi mỗi căn bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện là một cuộc khủng hoảng độc lập, thay vì nhận ra chúng đều là dấu hiệu cho thấy thế giới của chúng ta đang biển đổi như thế nào. Càng tác động để thay đổi môi trường sống, chúng ta càng có khả năng phá vỡ hệ sinh thái và tạo cơ hội cho bệnh tật mới xuất hiện.

Hiện nay, mới chỉ có khoảng 10% mầm bệnh trên thế giới được ghi nhận. Bởi vậy, cần đầu tư nhiều hơn để xác định những mầm bệnh còn lại và những loài động vật nào đang mang các mầm bệnh này.

Nhiều người dân thành phố rất thích với việc các loài động vật hoang dã có thể cùng sống trong không gian đô thị, nhưng chúng ta cũng nên nhận ra rằng, một số loài động vật có thể gây hại. Do đó, điều quan trọng là phải theo dõi xem có những loài động vật nào mới đến, rồi liệu mọi người có đang giết hay ăn thịt các loài động vật hoang dã, hay mang chúng từ các khu vực lân cận ra bán ở các chợ hay không.

Điểm phát khẩu trang miễn phí cho du khách tại sân bay Nội Bài. Ảnh: VOV

Ngoài ra, cải thiện điều kiện vệ sinh, xử lý chất thải và kiểm soát dịch là những cách giúp ngăn chặn những dịch bệnh này xuất hiện và lan rộng. Nói rộng hơn, đó là thay đổi cách thức chúng ta quản lý môi trường và cách con người tương tác với môi trường.

Đại dịch là một phần tương lai của chúng ta!?

Thừa nhận các dịch bệnh mới đang xuất hiện và lây lan sẽ khiến chúng ta có những hành động mạnh mẽ hơn để chống lại các đại dịch mới, mà bản thân chúng cũng là một phần không thể tránh khỏi trong tương lai của chúng ta.

Còn nhớ một thế kỷ trước, dịch cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm khoảng nửa tỷ người và giết chết 50 dến 100 triệu người trên toàn thế giới.

Hiện nay, tiến bộ khoa học và việc đầu tư lớn vào hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu đồng nghĩa với việc những dịch bệnh như vậy sẽ được quản lý tốt hơn trong tương lai. Tuy nhiên, rủi ro vẫn hiện hữu và có khả năng sẽ biến thành thảm họa. Và nếu điều gì đó tương tự như dịch cúm Tây Ban Nha lại xảy ra, nó sẽ định hình lại thế giới chúng ta.

Trong lịch sử, vào giữa thế kỷ trước, một số ý kiến đến từ phương Tây vẫn tuyên bố là có thể chiến thắng các bệnh truyền nhiễm; nhưng khi tiến trình đô thị hóa và bất bình đẳng gia tăng, rồi biến đổi khí hậu làm xáo trộn hệ sinh thái, chúng ta phải công nhận rằng, nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mới ngày càng tăng.