Đăng nhập

Đừng trách "chiến hữu" không móc bóp được !

(VOH) - Đừng vội trách khi sau chầu nhậu, có “chiến hữu” không lấy bóp ra trả tiền. Có thể người đó không thể đưa tay ra sau lưng được vì đang bị đau. Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh hóm hỉnh khi nói về bệnh viêm co rút bao khớp vai.

Thời tiết chuyển mùa dễ mắc bệnh viêm co rút bao khớp vai

Tiến sĩ - bác sĩ Tăng Hà Nam Anh – trưởng khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, một bệnh lý vai thường gặp khi thời tiết chuyển mùa từ nắng sang mưa là viêm co rút bao khớp vai.

Tuy nhiên, do bệnh nhân thấy đau khớp vai hoặc cảm thấy cơn đau đi từ cổ đến tay nên tưởng đau khớp cổ, tay hay thoái hóa đốt sống cổ. Một triệu chứng khác là khó thực hiện các động tác xoay khớp tay vào trong hay đưa tay ra sau lưng.

Người ta không biết nguyên nhân chính xác là gì và không rõ mình có bị chấn thương gì hay không. Nhưng có một điều mà người bệnh biết và nhận thấy rất rõ là khớp vai đang đau và các động tác vận động của khớp vai ngày càng hạn chế. Những động tác mà trước kia rất bình thường nhưng nay trở nên khó khăn vô cùng chẳng hạn như cột tóc, gãi lưng, với tay lấy đồ vật trong các tủ treo tường trên cao trong nhà bếp.

Đây chính là biểu hiện của tình trạng viêm co rút bao khớp vai.

img thumbXem toàn màn hình

Người bệnh viêm co rút bao khớp vai gặp khó khăn khi đưa tay ra phía sau. Hình minh họa

Viêm co rút bao khớp vai là gì?

Đây là tình trạng bệnh lý xảy ra ở bao khớp vai. Bao khớp viêm và co rút trải qua bốn giai đoạn.

Ở giai đoạn đầu là tình trạng viêm sung huyết tăng sinh của bao khớp vai. Giai đoạn này kéo dài khoảng 1-3 tháng.

Bao khớp bắt đầu dày lên để bước sang giai đoạn hai là giai đoạn tăng sinh dày bao khớp. Giai đoạn này có thể kéo dài 6-9 tháng.

Tiếp theo sau là giai đoạn đông cứng khớp vai. Đôi khi khớp vai như bị “đông lạnh” không vận động gì được. Sau khoảng 2-3 năm người ta thấy có giai đoạn “rã đông” nghĩa là khớp vai tự nhiên vận động trở lại được nhưng hiếm có bệnh nhân nào có thể chịu đựng đến được giai đoạn này vì những khó chịu ở khớp vai.

img thumb

Một ca mổ nội soi bệnh về khớp vai. Nguồn: internet

Điều trị viêm co rút bao khớp vai

Mặc dù bệnh có thể có khả năng tự hồi phục nhưng cần đến thời gian dài. Hơn nữa những triệu chứng đau sẽ ngày càng tăng lên khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Điều trị sớm trước khi cứng khớp vai là khuyến cáo mà bác sĩ Tăng Hà Nam Anh đưa ra. Bởi vì khi đã tăng sinh mô sợi thì việc tập luyện vật lý trị liệu rất khó. Có người phải tập từ 6 tháng đến 1 năm vai mới cử động bình thường.

Nếu tình trạng co rút khớp nặng, tập vật lý trị liệu không hiệu quả bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nội soi khớp vai.

Để tránh bệnh lý này, khi chẳng may bị chấn thương hay viêm  vùng khớp vai, bệnh nhân cần được chuẩn đoán và  tuân thủ theo phương pháp điều trị với chương trình tập luyện thích hợp.

Nghe chương trình “Y khoa ai nghe cũng hiểu” để có nhiều thông tin tham khảo về sức khỏe từ các bác sĩ chuyên khoa. Chương trình phát sóng từ 18h15 thứ bảy và 9h30 thứ sáu hàng tuần trên tần số FM 99,9 MHZ. Đường dây nóng tư vấn sức khỏe (trong thời gian chương trình phát sóng trực tiếp): (08)3822.3285

 

 

 

Bình luận