Thông thường khi chuẩn bị bước vào hè cũng là mùa thuận lợi cho viêm não Nhật Bản phát sinh, đe dọa sức khỏe trẻ nhỏ. Bệnh sẽ gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao.
Bên cạnh đó, liên quan đến vắc-xin ComBE Five, được biết từ tháng 2/2019 đến nay Thành phố đã triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five ngừa 5 loại bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib cho hơn 16.500 trẻ, chỉ mới đạt tỷ lệ hơn 20% tổng số trẻ trong độ tuổi cần tiêm chủng. Một thực tế đáng lo ngại vì tâm lý hoang mang, lo sợ nên nhiều phụ huynh không đưa con ra trạm y tế tiêm chủng dẫn đến việc bỏ tiêm, hoãn tiêm vì thế nên tỷ lệ tiêm vắc xin này trên địa bàn thành phố còn rất thấp.
Những lưu ý về phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm này cũng như những khuyến nghị thực hiện tiêm chủng vắc xin Combifive sẽ thể hiện qua phỏng vấn phóng viên VOH với bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1.
Các bệnh dễ mắc trong mùa mưa
VOH: Thưa bác sĩ, hiện nay thời tiết nắng nóng vẫn còn nhưng cũng đã bước vào đầu mùa mưa, chúng ta cần phòng những bệnh nào có khả năng xảy ra cho trẻ nhỏ?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thường thì mùa này trẻ hay bị nhất vẫn là sốt siêu vi. Khi bị sốt siêu vi như vậy một số em bé có thể biến chứng lên não, rồi viêm phổi. Nếu sốt siêu vi mà do virút sốt xuất huyết thì nó sẽ thành sốt xuất huyết nặng. Đó là những bệnh chuyển mùa.
VOH: Như vậy thì bệnh viêm não Nhật Bản hay là viêm màng não có khả năng xảy ra trong mùa này hay không?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Mùa này là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản (bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10), cao điểm vào tháng 6,7,8. Tuy nhiên, riêng ở miền Nam thì trong mùa này các yếu tố thuận lợi cho bệnh xuất hiện.
VOH: Thưa bác sĩ với bệnh viêm não Nhật Bản thì chúng ta nên đảm bảo lịch tiêm ngừa như thế nào để phòng bệnh?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thật ra viêm não Nhật Bản đã cũng giảm khá nhiều so với cách đây 5, 10 năm là do chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng mà nó vẫn chưa giảm hẳn so với mong muốn của bác sĩ điều trị. Việc tiêm chủng thì vắc xin viêm não Nhật Bản có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đó là lúc 12 tháng phụ huynh chích cho trẻ một mũi, sau đó từ 7 đến 14 ngày chích mũi 2, năm sau chích mũi 3. Sau đó mỗi ba năm chúng ta phải nhắc lại. Nếu mà đảm bảo lịch tiêm như vậy tới năm 15 tuổi thì việc phòng ngừa mới bền vững.
Tuy nhiên, hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ cho được có 3 mũi thì những mũi sau phụ huynh phải thu xếp tự tiêm cho trẻ. Được biết mới đây cũng có một loại vắc xin viêm não Nhật Bản mới nhưng mà là dịch vụ phụ huynh phải bỏ tiền ra chích, nhưng theo tôi biết vắc xin này cũng khá là tốt.
VOH: Thưa bác sĩ, cũng liên quan đến chương trình tiêm chủng mở rộng, được biết từ tháng 2/2019 thành phố đã triển khai tiêm vắc xin Combifive cho trẻ thay thế vắc xin Quinvaxem trước kia. Nhưng tại cuộc họp gần đây nhất - theo thông tin chúng tôi được biết - tỷ lệ tiêm chủng vắc xin này còn khá thấp do phụ huynh tâm lý hoang mang lo sợ phản ứng sau tiêm nên không đưa trẻ ra trạm y tế tiêm ngừa. Vấn đề này góc nhìn của bác sĩ như thế nào?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cái đó thực sự chỉ do tâm lý thôi, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành tiêm vắc xin này và tỷ lệ em bé bị tai biến nặng sau tiêm không có. Còn chuyện bé sốt, đau sau tiêm là chuyện bình thường. Tuy nhiên do tâm lý phụ huynh còn rất nặng nề, cứ suy nghĩ vắc xin này là vắc xin miễn phí nên không tốt nhưng mà thực ra theo tôi thì nếu không tốt thì người ta sẽ không cho con nít chích đâu. Cả thế giới cũng đã dùng vắcxin này nhiều, trong khi vắcxin dịch vụ thì tốn tiền và phải kiếm chỗ mới chích được. Gánh nặng nhất vẫn là tâm lý của phụ huynh mà tâm lý này đòi hỏi phải nhiều người cùng nói thì phụ huynh mới tin được.
Bỏ tiêm phòng rất nguy hiểm
VOH: Thưa bác sĩ nếu vùng tiêm chủng mà chúng ta không thể khắc phục được, tỉ lệ phụ huynh đưa con đi tiêm vắc xin Combifive không đạt như yêu cầu thì đến ngưỡng thời gian sẽ dẫn đến các hậu quả như thế nào?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Điều mà những người làm nhiễm nhi cũng như là những người làm tiêm chủng mở rộng rất là lo lắng đó là những người không có điều kiện kinh tế mà mất bình tĩnh thì lại bỏ không tiêm chủng cho con mình, đầu tiên là con họ bị trước sau đó sẽ lây qua nhóm tiêm không đủ lúc đó sẽ tạo thành dịch lại. Hiện nay đã có một tình trạng là tại bệnh viện Nhi Đồng, có những em bé mới 6 tháng nhưng cũng đã mắc bệnh ho gà khi hỏi lại thì em bé này không chích ngừa mũi nào cả. Đó là một điều rất là nguy hiểm khi mà đã hình thành một quần thể mới mà không có khả năng miễn dịch cao thì chắc chắn một điều dịch bệnh sẽ quay trở lại vì không có độ phủ cao, mà điển hình nhất nhiều năm đó là bệnh sởi. Những em bé không chích ngừa đều bị bệnh lại hết, trong đó có những nhóm bệnh rất là nguy hiểm như là viêm màng não, bạch hầu, uốn ván, ho gà thậm chí cái mình cần khống chế để nâng cao chất lượng dân số đó là viêm gan siêu vi B mà nếu chúng ta bỏ hết như vậy rất là nguy hiểm.
VOH: Thưa bác sĩ tóm lại thì với việc tiêm ngừa vắcxin Combifive, bác sĩ có khuyến nghị như thế nào trong thời điểm hiện nay?
Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Vắc xin Combifive nhiều nước đã chích rồi nếu mình làm tốt theo dõi thì gần như tỷ lệ tai biến nặng ảnh hưởng tới em bé gần như là không có. Thứ hai đó là thông tin đại chúng về những ca như vậy phân tích ra không phải là do vắcxin mà là do bệnh có sẵn của em bé, do vậy mình phải bình tĩnh đi chích. Nếu có điều kiện thì mình có thể tham gia chích dịch vụ còn nếu không có điều kiện thì nên tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng, thực hiện đúng theo hướng dẫn thì em bé mình mới an toàn, nếu bỏ luôn thì chắc chắn sẽ rất là nguy hiểm.
VOH: Cảm ơn bác sĩ rất nhiều qua những thông tin vừa nêu.