Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2021: Mở rộng cơ sở thu dung điều trị hiệu quả COVID-19

(VOH) - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được UBND TP quyết định bổ sung nhiệm vụ Bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch với quy mô 400 giường bệnh, gồm 200 giường hồi sức cấp cứu.

Từ ngày 9/6/2021, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được UBND TPHCM quyết định bổ sung nhiệm vụ Bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch với quy mô 400 giường bệnh, gồm 200 giường Hồi sức cấp cứu.

Tiếp nối những thành công và chuẩn bị trong đợt dịch năm 2020, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới nhanh chóng chuyển mình thành một bệnh viên chính quy đầu tiên của thành phố điều trị tất cả mức độ nguy kịch, nặng đặc biệt các trường hợp có bệnh nền….có số giường Hồi sức tích cực lớn, có các khu áp lực âm, hệ thống oxy tại giường và các thiết bị, kỹ thuật tối tân phục vụ cho điều trị COVID-19.

Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2021: Mở rộng cơ sở thu dung điều trị hiệu quả COVID-19 1

Chuỗi bệnh viện đều do nhân sự trực tiếp bao gồm bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có chuyên môn cao và bề dày kinh nghiệm trong chăm sóc và điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, là sự phối hợp nhuần nhuyễn của khối cận lâm sàng trong Chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, vi sinh lâm sàng, dược lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn góp phần nâng cao chất lượng điều trị.

Ngoài ra, việc chăm sóc thể chất và tinh thần cho người bệnh được quan tâm đúng mức trong công tác Dinh dưỡng tiết chế và Vật lý trị liệu phục hồi chức năng.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Thành Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chia sẻ, tinh thần làm việc cao độ, sức chiến đấu bền bĩ, vượt lên trên mọi khó khăn trong đại dịch để làm nhiệm vụ cao cả của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên của bệnh viện trong thời điểm đó đã khiến ông vô cùng xúc động, gửi gắm lời tri ân đến tập thể.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới còn là nơi đi xây dựng, thiết lập, tổ chức hoạt động và cử nhân sự điều hành cho các bệnh viên dã chiến điều trị COVID-19 trong giai đoàn đầu chống dịch COVID-19: bệnh viện dã chiến Củ Chi – là bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 đầu tiên của cả nước vào tháng 2/2020; Bệnh viện điều trị COVID-19 ở Cần Giờ vào tháng 3/2020.

Khi đợt dịch thứ tư bùng phát phải huy động toàn bộ hệ thống ngành y tế, “chuỗi” Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới "con" được nhân rộng với Bệnh viện Dã chiến số 1, số 2, số 13, 14, Dã chiến số 1 Quận 8.

Bác sĩ trẻ Bùi Hoàng Chương, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chia sẻ lại những ký ức xúc động khi nhận nhiệm vụ Trưởng khoa lâm sàng tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ: “Tại thời điểm đó, mình nhận ra không chỉ chuyên môn, mà còn phải thống nhất mọi người để làm việc chung. Thứ nhất phải sâu sát anh em để biết điểm mạnh bên cạnh đó những lo lắng của anh em như sợ lây nhiễm chéo, thức ăn, thời gian sinh hoạt … thì mình điều phối lại cho mọi người, bên cạnh tinh thần chống dịch cũng nên giải quyết lo lắng của mọi người dể yên tâm làm việc.”

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là bệnh viện chuyên khoa đầu tiên của Thành phố và cả nước triển khai cả 3 tầng với tất cả các kỹ thuật chuyên sâu cao nhất như thở máy, lọc máu, lọc huyết tương, ECMO….

Trong năm 2021, cơ bản Bệnh viện bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận hơn 3.500 người trong đó có 716 bệnh nhân thở máy, 708 bệnh nhân thở HFNC, 1.887 bệnh nhân thở oxy, 164 bệnh nhân lọc máu, 23 bệnh nhân ECMO. Tỷ lệ điều trị thành công là 82,3%.

Chuỗi các Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới "con" đã đóng góp lớn trong công tác điều trị chống dịch với quy mô tối đa tổng trên 400 giường cho thành phố. Sau khi hoàn tất sứ mệnh của các bệnh viện kể trên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục duy trì “chuỗi” khi thực hiện tiếp quản Trung tâm hồi sức tích cực của Trung ương Huế sáp nhập cùng Bệnh viện Dã chiến số 14 để trở thành Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 14.

Với chuyên môn và kinh nghiệm điều trị cao, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tham gia xây dựng phác đồ điều trị COVID-19 quốc gia, thực hiện công tác chỉ đạo tuyến tập huấn rộng khắp cho mạng lưới điều trị gồm các bệnh viện trong thành phố và các tỉnh phía Nam. Bệnh viện còn là nơi tham quan mô hình chống dịch Covid-10 mẫu cho các bệnh viện khác.

Tiến sĩ Bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã có cái nhìn tổng quát về hiệu quả của mô hình này trong thời gian qua: “Từ năm 2020, lúc dịch COVID-19 vừa xuất hiện ở TP.HCM, bệnh viện đã được Sở y tế phân công chịu trách nhiệm chính tiếp nhận cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19… Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Sở Y tế tiếp tục mở ra nhiều bệnh viện dã chiến và ngoài vấn đề tiếp nhận thu dung tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới và 7 bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, chúng tôi còn cử cán bộ chuyên môn hội chuẩn và hỗ trợ các bệnh viện khác, giúp ngành y tế thành phố có thế trận vững vàng, nhanh choáng chống dịch COVID-19”.

Đáng chú ý, “chuỗi” Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới “1+7” là điểm nghiên cứu khoa học về COVID-19. Cùng hợp tác với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford – Anh, các trường đại học…chuỗi bệnh viện đã triển khai hàng loạt công trình nghiên cứu từ mô tả đặc điểm lâm sàng trong điều trị COVID-19 đến thử nghiệm lâm sàng hiệu quả của các thuốc như vắc xin, Dexamethason, Remdesivir…., nghiên cứu xã hội như tác động COVID-19 đến sức khỏe tâm thần người bệnh và nhân viên y tế, đặc biệt là nghiên cứu giải mã trình tự gen phát hiện chuỗi lây nhiễm…

Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc tham mưu cho ngành y tế cả nước về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bình luận