Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhập viện vì vùng đỉnh đầu viêm loét, hoại tử rộng, màu tím đen.
Người bệnh cho biết, thợ làm tóc không chỉ ủ hóa chất mà còn tăng nhiệt trong quá trình thực hiện tẩy tóc. Do đó, cô gái cùng lúc bị bỏng hóa chất và bỏng nhiệt.
Bệnh nhân vào viện tương đối muộn, tổn thương nặng nề nên các bác sĩ phải cạo toàn bộ đầu, cắt lọc và làm sạch tổ chức hoại tử trên đỉnh đầu.
Để vết thương mau lành, bác sĩ phải lấy da từ vùng khác để ghép lên đỉnh đầu, sau đó dùng các kỹ thuật tạo hình xoay, chuyển vạt da mang nang tóc che phủ vùng da đầu bị tổn thương. Bệnh nhân phải trải qua nhiều cuộc mổ, tốn kém chi phí, cần nhiều thời gian để nuôi lại mái tóc dài như trước.
Đây là một trong nhiều ca biến chứng sau khi tẩy tóc được Bệnh viện da Da liễu Trung ương tiếp nhận gần đây.
Tẩy tóc là gì?
Tẩy tóc là quá trình tẩy melanin có trong tóc với hóa chất chuyên dụng để làm tóc bị mất màu sắc nguyên thủy. Đây là một quá trình làm sáng màu tóc, thường áp dụng mỗi khi nhuộm để tẩy đi màu tự nhiên của mái tóc, giúp cho màu nhuộm sáng và chuẩn hơn.
Để lên được các tông màu sáng như vàng, bạch kim, tóc, tóc cần phải được tẩy bằng hóa chất. Tóc càng tối màu sẽ càng phải tẩy nhiều lần với chất tẩy có nồng độ đậm đặc hơn và phải lưu lại trên tóc trong thời gian lâu hơn để có thể mất hẳn màu.
Thông thường, mái tóc đen/nâu đen đặc trưng của người Việt sẽ phải trải qua trung bình 2 lần tẩy tóc mới đủ điều kiện để nhuộm tóc màu sáng.
Phần lớn sản phẩm tẩy tóc hiện nay chứa hai loại hóa chất chính là chất kiềm và chất oxy hóa. Chất kiềm làm mở vỏ sợi tóc, chất oxy hóa phá vỡ cấu trúc hạt melamine và làm mất màu của tóc.
Người nhuộm tóc càng thích tông màu lạnh (tóc sáng, bạch kim, màu xanh lá) càng phải tẩy tóc kỹ hơn (tẩy mạnh hoặc tẩy nhiều lần).
Hóa chất được bôi vào thân sợi tóc, không được để tiếp xúc với da đầu. Tuy nhiên, người thợ bôi quá sát chân tóc khiến hóa chất dính vào da đầu, dẫn đến bỏng.
Những biến chứng từ tẩy tóc
Nếu tẩy tóc nhiều lần với khoảng thời gian và nồng độ hóa chất phù hợp, người thợ có thể tăng hiệu quả bằng cách sử dụng các chất tẩy có nồng độ vượt quá giới hạn, sử dụng thêm nhiệt. Khi đó da đầu chịu "tổn thương kép", nguy cơ bỏng hóa chất, bỏng nhiệt.
Ngoài ra, sau khi tẩy, tóc sẽ bị hư hại một cách nghiêm trọng: tóc trở nên yếu, mủn, khô xơ xác, cực kỳ dễ gãy rụng và nhạy cảm hơn với những nguy cơ gây hại từ môi trường như tia cực tím, độ ẩm...
Sau khi đã tẩy tóc, người có mái tóc tẩy sẽ buộc phải tuân thủ chế độ chăm sóc tóc đặc biệt như gội đầu với dầu gội dành riêng cho tóc tẩy không quá 1 lần/tuần, thường xuyên dưỡng tóc, hạn chế tác dụng nhiệt lên tóc... nếu không muốn tóc mình đã yếu lại càng yếu hơn hoặc tệ hơn là rụng sạch.
Những ai nên/không nên tẩy tóc?
Cần hiểu rõ, tẩy tóc là một kỹ thuật phức tạp và nó đòi hỏi người thợ phải có tay nghề và trình độ nhất định. Tóc mỗi người đều có những đặc điểm riêng, bởi vậy mà người thợ cần xem xét kỹ tình trạng tóc của khách để có thể vạch ra một quy trình tẩy tóc an toàn.
Căn cứ vào tình trạng tóc, người thợ sẽ quyết định xem nên pha hóa chất với tỉ lệ, nồng độ như thế nào, giãn cách giữa các lần tẩy ra sao để không nguy hiểm cho tóc cũng như sức khỏe của khách hàng. Ví dụ như với một mái tóc yếu, lời khuyên tốt nhất là không nên tẩy tóc 2 lần liền một lúc mà nên giãn cách giữa 2 lần tẩy với thời gian là 1 - 2 tuần.
Người có tóc khô yếu, mỏng, dễ gãy rụng, không nên tẩy tóc. Quá trình tẩy tóc cần tuân thủ tuyệt đối khuyến cáo của nhà sản xuất. Không sử dụng các biện pháp thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình tẩy tóc như băng bịt kín kết hợp với việc sử dụng nhiệt; hoặc dùng chất tẩy với nồng độ cao.
Trong quá trình tẩy tóc, nếu thấy cảm giác quá khó chịu, đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc chuyên khoa da liễu.