Chờ...

Kinh nguyệt không đều tuổi dậy thì có đáng lo?

(VOH) – Nhiều người cho rằng kinh nguyệt sẽ xuất hiện đều mỗi tháng. Tuy nhiên, thực tế điều này là không đúng với tất cả mọi người, bởi ở tuổi dậy thì kinh nguyệt có thể sẽ xuất hiện không đều đặn.

Câu hỏi thỉnh giả

Chào bác sĩ, em có một vấn đề muốn được tư vấn là con của em năm nay 17 tuổi, cháu có kinh nguyệt nhưng 2-3 tháng mới có 1 lần và cháu cứ bị đau bụng dưới rất dữ dội thì có gì bất thường hay không?

TS, BS Nguyễn Hữu Trung (Giảng Viên trường ĐH Y Dược TPHCM, Trưởng PK phụ sản Hoàng Gia) giải đáp

  1. Kinh nguyệt không đều tuổi dậy thì – bình thường hay bất thường?

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là một hiện tượng rất bình thường, bởi đây là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn. Ở giai đoạn này, hệ thống nội tiết tố, hệ thống điều khiển trục đồi sinh sản tuyến yên của người phụ nữ mới bắt đầu hình thành và vẫn chưa ổn định, nên sẽ thường xuất hiện tình trạng kinh nguyệt không đều. Sau một thời gian, chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ sẽ ổn định và đều đặn hơn.

Nếu sau một thời gian kinh nguyệt vẫn không đều thì cần được thăm khám bác sĩ, bởi trong giai đoạn tuổi dậy thì –vị thành niên người phụ nữ có thể mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang, có nghĩa là trứng người phụ nữ không rụng hoặc rụng không đều. 

kinh-nguyet-khong-deu-tuoi-day-thi-co-dang-lo-voh

Kinh nguyệt có thể không đều trong giai đoạn tuổi dậy thì (Nguồn: Internet)

Bình thường ở phụ nữ mỗi tháng trứng sẽ rụng 1 lần, khi bị buồng trứng đa nang trứng có thể sau 2 - 3 tháng mới rụng 1 lần. Tình trạng trứng rụng không đều ngoài việc ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, còn ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết của người phụ nữ và có thể dẫn đến hội chứng rối loạn chuyển hóa của cơ thể.

  1. Đau bụng kinh tuổi dậy thì cần làm gì?

Đau bụng kinh hay còn gọi thống kinh, đây là tình trạng rất hay gặp ở phụ nữ, từ những người phụ nữ trong độ tuổi dậy thì cho đến những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. 

Thông thường thống kinh với mức độ nhẹ, có nghĩa là đau bụng kinh nhưng bản thân người phụ nữ vẫn có thể chịu đựng được thì sẽ không cần phải dùng thuốc.

Tuy nhiên, nếu đau bụng nhiều, đau dữ dội thì người phụ nữ cần đi thăm khám để có những can thiệp điều trị cho phù hợp. Trường hợp khám không phát hiện bệnh lý (u buồng trứng, không có u xơ tử cung...) nhưng vẫn bị đau bụng kinh thì khi đến kỳ kinh nguyệt có thể dùng thuốc giảm đau phù hợp để giúp trải qua thời kỳ kinh nguyệt một cách dễ dàng, cơn đau không làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người phụ nữ.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ từ video bên dưới: