Tiêu điểm: Nhân Humanity

Mẹ bầu cần biết: Cách phát hiện thai nhi phát triển chậm

(VOH) - Thai chậm tăng trưởng có thể để lại nhiều “di chứng” cho sự phát triển của bé từ trong tử cung cho đến khi lớn lên.

Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Mai Xuân Hồng - giảng viên bộ môn phụ sản (Đại học Y Dược TPHCM) cho biết hiện nay, y học phát triển cho phép phát hiện sớm những bất thường của thai ngày nay đã khá tốt. Việc xác định thai chậm tăng trưởng: dựa vào số đo, trọng lượng của em bé trong một số thời điểm. (dựa vào biểu đồ tăng trưởng thai nhi).

Do đó các thai phụ cần đi khám thai thường xuyên để có thể phát hiện và can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân tình trạng thai chậm tăng trưởng:

Có ba nhóm nguyên nhân

Nguyên nhân thai tăng trưởng chậm do người mẹ: có những bệnh lý nội khoa trước đó, ví dụ thiếu máu, cao huyết áp, cường giáp, rối loạn tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai. Do vậy trước khi mang thai, chị em phụ nữ nên đến các cơ sở y tế để khám xem mình có bị các bệnh lý nội khoa này không

Nguyên nhân thai tăng trưởng chậm do bào thai: chẳng hạn bào thai bị rối loạn bất thường nhiễm sắc thể, bất thường về gen…

Nguyên nhân từ phần phụ thai nhi như bánh nhau có kích thước nhỏ hơn so với bình thường nên không thực hiện tốt chức năng lấy dinh dưỡng từ mẹ sang cho thai. Hoặc có thể do dây rốn.

Nếu dây rốn chỉ có một động mạch (thay vì hai động mạch như bình thường) sẽ vận chuyển dinh dưỡng đến bào thai không đủ.

Cần biết cách phát hiện thai nhi chậm phát triển

Hình minh họa: internet

Nghe nội dung tư vấn từ bác sĩ Tô Mai Xuân Hồng: 

Làm sao để bà mẹ biết thai chậm tăng trưởng?

Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Mai Xuân Hồng cho biết việc phát hiện thai chậm tăng trưởng dựa vào 3 yếu tố sau:

Cân nặng của thai phụ: Hiện đã có quy định mức tăng cân trong từng 3 tháng và cả thai kỳ. Với thai phụ Việt Nam, trong toàn bộ thai kỳ tăng khoảng 10-12 kg là bình thường. Tuy nhiên còn cần phải quan tâm đến trọng lượng trước khi mang thai của mẹ.

Ví dụ trước khi mang thai, người mẹ khá ốm thì trong toàn bộ thai kỳ phải tăng nhiều hơn mức đó. Hoặc với những người trước khi mang thai bị béo phì thì việc tăng thêm 10 - 12kg là quá nhiều.

Sự phát triển bề cao tử cung: việc bác sĩ khám lâm sàng, đo bề cao tử cung cũng phản ánh sự phát triển của bào thai bên trong bụng mẹ

Siêu âm: đo được kích thước từng bộ phận thai nhi như đầu, tay, chân… từ đó tính theo công thức có sẵn để ước lượng được tuổi thai, cân nặng

Có khắc phục tình trạng thai chậm tăng trưởng?

Nếu tình trạng thai chậm tăng trưởng được phát hiện vào 3 tháng giữa thai kỳ (thai chậm tăng trưởng khởi phát sớm), thông thường tiên lượng tình trạng nặng hơn việc phát hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ. Lý do là có nhiều nguyên nhân cùng tác động khiến bào thai chậm tăng trưởng từ rất sớm. Trường hợp này cần có những can thiệp như chọc nước ối tìm xem có bất thường về nhiễm sắc thể không, xem xét oxy đang được cung cấp cho em bé như thế nào?

Nếu phát hiện thai chậm phát triển vào 3 tháng cuối thai kỳ (thai chậm tăng trưởng khởi phát muộn) thì tiên lượng có thể tốt hơn. Các trường hợp này không phải nguyên nhân từ bào thai và từ mẹ, mà do vài bệnh lý liên quan đến bánh nhau. Ví dụ bánh nhau không còn đủ chất nuôi thai. Giải pháp là tìm cách tăng dinh dưỡng, thuốc tăng trưởng thành để giúp thai khỏe mạnh hơn.

Thai chậm phát triển để lại những “di chứng” gì cho bé:

Trong những tháng cuối bé dễ mất tim thai (thai chết lưu).

Khi sinh bé ra người mẹ khó chuyển dạ sinh thường, khiến bé có thể bị suy và dẫn đến mất tim thai. Nếu mổ sớm trước khi chuyển dạ để lấy bé ra thì có thể tránh được nguy cơ này.

Như vậy, khi đã ra đời, với thể trạng nhỏ yếu hơn các bé cùng tuổi thai, bé có thể phải đối mặt với hàng loạt các nguy cơ như suy hô hấp, rối loạn chuyển hóa oxy mẹ cung cấp, nhiễm trùng, rối loạn đường huyết, hạ canxi máu,…

Nếu may mắn bé vượt qua được giai đoạn nhũ nhi, sau này bé vẫn có thể phải đối mặt với việc phát triển không hoàn chỉnh về thần kinh và thể chất so với bé cùng trang lứa.

>>>> Mẹ bầu cần biết: Khám tiền thai sản để đảm bảo sức khoẻ cho vợ chồng

Bình luận