Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nám, sạm da khi mang thai: Nguyên nhân và cách khắc phục

(VOH) – Mang thai gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể mẹ bầu. Phần lớn nguyên nhân là do hormone thay đổi, trong khi 1 số mẹ bầu vẫn có làn da khỏe mạnh thì 1 số khác lại bị nám, sạm da khi mang thai.

Có khoảng 90% phụ nữ trong giai đoạn mang thai sẽ gặp phải các vấn đề về da như nám, sạm xuất hiện nhiều trên gương mặt, bụng, hoặc một số vùng da khác trên cơ thể. Nám, sạm da khi mang thai được xem là hiện tượng bình thường và khá phổ biến, tuy nhiên chúng có thể khiến mẹ bầu mất tự tin, stress khi nhan sắc “xuống cấp” trầm trọng, từ đó ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân gây nám, sạm da khi mang thai

Theo ThS, BS Nguyễn Duy Hải (GĐ Phòng khám Da liễu Thẩm mỹ Duy Hải), thay đổi sắc tố da luôn là vấn đề mà rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm và trong quá trình mang thai thì các vấn đề về sắc tố da càng được thể hiện rõ ràng hơn.

Những thay đổi về sắc tố sẽ phát triển theo 2 hướng tăng sắc tố và giảm sắc tố. Phần lớn các thay đổi sắc tố trong thai kỳ sẽ theo hướng tăng sắc tố, làm mất cân bằng sắc tố melanin trên da, dẫn đến sự xuất hiện của vết nám, sạm da. Những vết nám hay vùng da sạm màu đã có sẽ càng đậm hơn.

nam-sam-da-khi-mang-thai-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-voh

Sạm, nám da thường xuất hiện nhiều ở vùng mặt (Nguồn: Internet)

Sự gia tăng hắc sắc tố trên da thấy nhiều ở các vị trí như vùng mặt, sau cổ, dưới nách, vùng bẹn, cẳng chân hay vùng bụng ... vì những khu vực này thường có kết cấu da khá lỏng lẻo.

Tình trạng nám, sạm da khi mang thai thường không có thời gian xuất hiện rõ ràng, một số phụ nữ có thể gặp những vấn đề về da ngay trong những tháng đầu tiên mang thai và do không biết cách cách chăm sóc nên khiến tình trạng sạm, nám da càng ngày càng trầm trọng.

Ngoài ra cần lưu ý, những vết nám, sạm trên da người phụ nữ mang thai về bản chất sẽ có khác so với những phụ nữ không mang thai. Ở phụ nữ không mang thai tình trạng nám, sạm da thường đến từ các tác nhân do môi trường nhiều hơn, ví dụ như ánh sáng mặt trời, hóa chất trong mỹ phẩm, stress do công việc,...

Nhưng ở phụ nữ mang thai tác nhân gây nám, sạm da chủ yếu đến từ nội tiết tố, khi nội tiết tố quay về bình thường thì khả năng các vết sạm, nám cũng sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ phụ nữ sau khi sinh xong các vết nám, sạm có thể giảm nhưng sẽ không hoàn toàn biến mất.

Những biện pháp khắc phục nám da, sạm da trong thai kỳ

Trong giai đoạn thai kỳ khi có những vấn đề về sắc tố như: tăng hắc sắc tố, nám, sạm, tàn nhang thì việc quan trọng nhất mà các mẹ bầu cần nhớ là nên giữ thói quen chăm sóc da hằng ngày với những sản phẩm dịu nhẹ, phù hợp với thai kỳ.

Bên cạnh đó, phải thực hiện đầy đủ 3 bước sau đây:

  • Bước 1: Làm sạch da bằng những sản phẩm dịu nhẹ. Có thể rửa mặt bằng nước ấm sau đó rửa lại bằng nước lạnh.
  • Bước 2: Dưỡng ẩm da bằng việc sử dụng những chất dưỡng ẩm và chất chống oxy hóa có thể sử dụng được trong thai kỳ.
  • Bước 3: Dùng kem chống nắng.

Bên cạnh đó, mẹ bầu nên bổ sung thêm những chất dinh dưỡng có lợi từ tự nhiên như ăn nhiều rau, quả, trái cây nhằm cung cấp cho cơ thể nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên. Đồng thời, việc uống nhiều nước cũng sẽ giúp làn da được cải thiện nhiều hơn.

nam-sam-da-khi-mang-thai-nguyen-nhan-va-cach-khac-phuc-1voh

Phụ nữ mang thai thường sẽ chống chỉ định với các loại thuốc điều trị nám da (Nguồn: Internet)

Riêng với các loại thuốc trị nám, sạm da khi mang thai, ThS, BS Nguyễn Duy Hải cho biết, đa số các thuốc bôi điều trị nám da không được sử dụng trong thai kỳ. Trong trường hợp thai phụ có những sự thay đổi sắc tố da quá nghiêm trọng thì có thể sử dụng thuốc axit azelaic (thuốc được phân loại theo nhóm B). Tuy nhiên, nám da là một vấn đề về da tại chỗ, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng nào đến sức khỏe mẹ bầu, do đó, tốt nhất mẹ bầu vẫn không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc bôi nào để điều trị nám khi mang thai.

Với biện pháp điều trị nám da bằng phương pháp lột tẩy da cũng chống chỉ định trên thai kỳ. Riêng phương pháp laser ánh sáng thì hiện tại vẫn chưa có những nghiên cứu rõ ràng về việc có chống chỉ định trên thai kỳ hay không, vì thế để đảm bảo an toàn thai phụ vẫn không nên sử dụng trong giai đoạn mang thai.

TS, BS Lê Văn Hiền (BV Quốc tế Hạnh Phúc) cho biết thêm, thông thường những thay đổi trên da sẽ biến mất hoặc giảm đi sau khi phụ nữ sinh con xong, bởi vì sau khi sinh bánh nhau thoát ra nội tiết tố cũng sẽ không tác động nhiều, nên những vết nám, vết thâm trên da sẽ mờ dần.  

Vì thế, nếu muốn điều trị các vấn đề về da bằng thuốc hoặc laser thì mẹ bầu có thể chờ hết thời gian cho con bú. Lúc này những vết nám trên da sẽ trở về ổn định, từ đó giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn, cũng như không làm ảnh hưởng đến thai kỳ và cho con bú.

Phòng ngừa nám da khi mang thai được không?

Nám, sạm da khi mang thai là do sự gia tăng mạnh của hormone trong cơ thể làm xáo trộn sắc tố da, do đó không thể phòng ngừa tình trạng nám, sạm da khi mang thai một cách hoàn toàn. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể làm giảm tác động nội tiết lên cơ thể bằng bằng cách chăm sóc da theo đúng quy trình chăm sóc da cơ bản.

Nên tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và các khoáng chất, vitamin có lợi cho làn da.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài, đội mũ rộng vành, mặc áo dài tay để chủ động bảo vệ làn da.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Rạn da khi mang thai: Nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa : Rạn da khi mang thai là hiện tượng phổ biến ở mẹ bầu, tình trạng này khiến các mẹ vô cùng tự ti, mặc cảm. Vậy tại sao mẹ bầu lại bị rạn da khi mang thai và làm sao khắc phục?
Những phương pháp trị nám da mặt giúp bạn sở hữu làn da ‘không tì vết’ : Nám là tình trạng da khá phổ biến và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ ngoài của chị em phụ nữ. Do đó, làm thế nào để trị nám da mặt hiệu quả luôn là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan ...
Bình luận