Đây là Ngân hàng sữa mẹ thứ hai tại khu vực miền Nam và là một trong bốn Ngân hàng sữa mẹ có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, có thể thanh trùng lên đến 62 lít sữa mỗi ngày.
Thạc sĩ. Bác sĩ Phan Thị Hằng - Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương đã bày tỏ sự tri ân đối với những người mẹ đã tình nguyện hiến tặng sữa, đóng góp thầm lặng nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn tăng cơ hội sống cho những đứa trẻ sơ sinh ra đời trong hoàn cảnh kém may mắn hơn những đứa trẻ khác.
Bà cũng thể hiện sự mong mỏi về một Việt Nam cùng chung tay góp sức tạo nên một thế hệ mầm non đất nước khỏe mạnh và hạnh phúc.
Thạc sĩ. Bác sĩ Phan Thị Hằng chia sẻ: “Chúng tôi rất mong ngày càng nhiều nguồn sữa mẹ dinh dưỡng được gửi đến Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương, và được trao cho nhiều trẻ em hơn nữa. Rất mong toàn thể cộng đồng, mỗi người một tay, trong phạm vi khả năng của mình, cùng chung tay góp sức giúp nuôi sống trẻ em ở TPHCM nói riêng và ở Việt Nam nói chung, tạo nên một thế hệ mầm non đất nước khỏe mạnh và được hưởng tất cả mọi điều tốt đẹp nhất”.
Tại buổi ra mắt ngân hàng sữa mẹ sáng nay, Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã tuyên dương những cá nhân, tập thể trong ngành y tế đặc biệt là ở ngành Sản Nhi đã có những đóng góp to lớn và ý nghĩa này.
Thứ trưởng cho biết: “Thành tựu mà tôi nghĩ là Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc đầu tiên tại TPHCM, đó là thành lập trung tâm chăm sóc trẻ em có mẹ bị nhiễm Covid-19 – HOPE. Đến bây giờ thành lập được Ngân hàng sữa mẹ là những chuỗi mà tôi nghĩ là hết sức tự hào cho ngành Y tế TPHCM nói chung và Bệnh viện Hùng Vương nói riêng. Xin trân trọng cảm ơn toàn thể đóng góp của lãnh đạo, tập thể các anh chị em trong ngành y tế và những người dân đã đóng góp vào việc thành lập trung tâm Ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Hùng Vương ngày hôm nay”.
Hiện nay, tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Việt Nam còn cao, tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm đến 70-80% số ca tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và 50-60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, trong số những giải pháp nhằm giảm tử vong cho trẻ nhỏ thì sữa mẹ là giải pháp quan trọng nhất và có tiềm năng to lớn nhất tác động đến sự sống còn của trẻ. Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng có thể cho con bú, các nguyên nhân thường gặp là do mẹ bị bệnh hoặc đang dùng thuốc điều trị ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đặc biệt, đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao, bao gồm trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi, trẻ nhiễm Covid-19, sữa mẹ sẽ giúp mang lại nguồn dinh dưỡng sẵn có với khả năng cứu sống tốt nhất, là một liều thuốc đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho trẻ sơ sinh. |