Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Nghiên cứu của Hàn Quốc: Bệnh nhân tái dương tính với Covid-19 khó có khả năng lây nhiễm

(VOH) - “Dương giả”, “tái hoạt” hay “tái nhiễm” là vấn đề mới đang thu hút sự quan tâm của cả nhà chuyên môn và các chuyên gia y tế.

Các chuyên gia thuộc Ủy ban lâm sàng trung ương về kiểm soát bệnh mới nổi của Hàn Quốc bước đầu đã có nhận định về hiện tượng xét nghiệm dương tính trở lại với SARS-CoV-2 ở một số bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã hồi phục tại một số nước.

Tính đến ngày 1/5/2020, Hàn Quốc đã có hơn 260 người nhiễm COVID-19 có xét nghiệm dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 sau khi đã hồi phục. Hiện tượng này đã đưa ra cảnh báo rằng virus SARS-CoV-2 có thể có khả năng "kích hoạt lại" hoặc “lây nhiễm lại” cho người nhiều lần.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Hàn Quốc thì cả hai khả năng này đều khó xảy ra.

covid-19

Các chuyên gia khẳng định khó xảy ra khả năng SARS-CoV-2 "kích hoạt lại" hoặc “lây nhiễm lại” cho người nhiều lần.

Theo các chuyên gia thuộc Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, phương pháp xét nghiệm để phát hiện coronavirus được gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR). Phản ứng này không thể phân biệt vật liệu di truyền (RNA hoặc DNA) là của virus đang gây bệnh hay là các mảnh của virus đã chết, các mảnh này có thể tồn tại lâu trong cơ thể sau khi người bị nhiễm đã hồi phục.

“Các xét nghiệm đã phát hiện ra axit ribonucleic của virus đã chết. Trong xét nghiệm PCR, các vật liệu di truyền của virus được khuếch đại, từ virus sống hay từ các mảnh tế bào của virus đã chết có thể tồn tại nhiều tháng trong cơ thể bệnh nhân đã hồi phục.

Các xét nghiệm PCR không thể phân biệt được virus còn sống hay đã chết và điều này có thể dẫn đến hiện tượng dương tính giả” – Tiến sĩ Oh Myoung-don, Chủ nhiệm Ủy ban lâm sàng trung ương về kiểm soát bệnh mới nổi của Hàn Quốc cho biết.

Các chuyên gia Hàn Quốc cũng cho biết, các tế bào biểu mô đường hô hấp có thời gian bán hủy lên đến 3 tháng và RNA của virus trong tế bào có thể được phát hiện bằng xét nghiệm PCR từ 1 đến 2 tháng sau khi tế bào bị loại bỏ.

Để xác định xem một người có chứa virus còn có khả năng gây bệnh hay không (virus sống), thay vì làm xét nghiệm PCR kiểm tra sự hiện diện kháng nguyên của virus như hiện nay thì các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm sẽ phải nuôi cấy virus trong điều kiện lý tưởng để xem liệu nó có khả năng phát triển hay không.

Ủy ban lâm sàng trung ương về kiểm soát bệnh mới nổi của Hàn Quốc đã xác nhận một đánh giá trước đó của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) rằng, các bệnh nhân có xét nghiệm dương tính lại không xác nhận được nguồn lây nhiễm và kết quả nuôi cấy virus đều không tìm thấy virus sống ở những bệnh nhân đã hồi phục.

Quá trình virus SARS-CoV-2 tạo ra một virus mới chỉ diễn ra trong tế bào và không xâm nhập vào nhân tế bào, khác với một số loại virus khác như virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và virus thủy đậu - chúng có thể tự tích hợp vào bộ gen của vật chủ bằng cách xâm nhập vào nhân tế bào người, nơi chúng có thể tiềm ẩn trong nhiều năm và sau đó có hiện tượng "kích hoạt lại".

Điều này có nghĩa là coronavirus không gây nhiễm trùng mạn tính hoặc tái phát. Nói cách khác, rất ít khả năng virus này sẽ hoạt động trở lại trong cơ thể đã bị nhiễm trước đó và đã chuyển sang giai đoạn hồi phục. 

Ngoài ra, virus đang trải qua những thay đổi di truyền rất nhỏ. Những thay đổi này chưa đủ lớn để các kháng thể hiện có của một người bị nhiễm SARS-CoV-2 không còn tác dụng chống lại một chủng mới của virus.

Người nhiễm COVID-19 có nồng độ kháng thể khác nhau ở giai đoạn hồi phục - Nghiên cứu mới cho thấy, người nhiễm COVID-19 có nồng độ kháng thể khác nhau ở giai đoạn hồi phục.

Cập nhật dịch COVID-19 Việt Nam ngày 7/5: 21 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng - Sáng nay (7/5), Việt Nam vẫn không ghi nhận thêm ca nhiễm mới COVID-19 trong cộng đồng. Như vậy, 21 ngày qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.