Nhịp Sống Khỏe 19/2: xương cá 'đi lạc' vào trong tụy và bàng quang | Hoại tử chân vì ngâm bột lá

VOH - Trẻ mắc sởi biến chứng nặng, bác sĩ khuyến cáo quan trọng;Đi ngoài đến 26 lần trong ngày, người phụ nữ tá hỏa khi biết mắc giun đũa lây từ 'thú cưng'... là các tin nổi bật khác.

Hai bàn chân phồng rộp vì bọng nước, đỏ ngứa dữ dội vì ngâm chân bằng bột lá không rõ nguồn gốc

Một phụ nữ 60 tuổi tại Thái Bình nhập viện trong tình trạng hai cẳng chân bị tổn thương nghiêm trọng với nhiều bọng nước lớn, viêm đỏ, ngứa dữ dội và đau rát. Nguyên nhân được xác định là do bà đã ngâm chân bằng một loại bột lá không rõ nguồn gốc với mong muốn giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh.

Ban đầu, người bệnh tự điều trị tại nhà bằng thuốc không rõ loại, nhưng tình trạng không thuyên giảm mà còn lan rộng. Khi đến Bệnh viện E, bà được chẩn đoán viêm da tiếp xúc dị ứng mức độ nặng và được chỉ định điều trị bằng thuốc chống viêm, kháng sinh kết hợp chăm sóc da chuyên sâu.

Bác sĩ cảnh báo rằng một số loại lá có thể chứa chất gây kích ứng mạnh, dẫn đến viêm loét và nhiễm trùng nặng nếu không được điều trị kịp thời. Người dân không nên tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian mà chưa hiểu rõ về thành phần và tác dụng, đồng thời cần đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường trên da.

Hai bàn chân phồng rộp vì bọng nước, đỏ ngứa dữ dội vì ngâm châm bằng bột lá không rõ nguồn gốc- Ảnh 1.
Hai bàn chân phồng rộp vì bọng nước, đỏ ngứa dữ dội vì ngâm châm bằng bột lá. Ảnh: SK&ĐS

Hi hữu xương cá 'đi lạc' vào trong tụy và bàng quang

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa tiếp nhận hai trường hợp biến chứng hi hữu do xương cá xuyên thủng đường tiêu hóa, di chuyển vào ổ bụng và gây áp xe nguy hiểm.

Bệnh nhân V.Đ.C (77 tuổi, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng tiểu khó, đau tức vùng hạ vị kéo dài. Qua chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ phát hiện một khối áp xe thành bàng quang, bên trong có mảnh xương cá dài 5cm. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy dị vật và xử lý tổn thương thành công.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân P.K.Th (56 tuổi, Hạ Long) nhập viện vì đau thượng vị kéo dài. Kết quả chụp chiếu cho thấy một mảnh xương cá dài 4cm mắc kẹt tại đầu tụy, gây áp xe. Dị vật sau đó đã được nội soi lấy ra an toàn.

Các bác sĩ cảnh báo, xương cá có thể xuyên thủng đường tiêu hóa, gây nhiễm trùng nghiêm trọng nếu không được phát hiện kịp thời. Khi gặp triệu chứng bất thường như đau bụng kéo dài, tiểu khó, cần đến cơ sở y tế để tránh biến chứng nguy hiểm.

Hi hữu xương cá 'đi lạc' vào trong tụy và bàng quang - Ảnh 1.
Hình ảnh chụp cắt lớp dị vật nhọn trong bàng quang của bệnh nhân V.Đ.C. Ảnh: SK&ĐS

Trẻ mắc sởi biến chứng nặng, bác sĩ khuyến cáo quan trọng

Từ cuối năm 2024, số ca mắc sởi tại TP Huế gia tăng đáng kể, với 161 ca sốt phát ban chỉ trong hơn một tháng đầu năm 2025. Tại Bệnh viện Trung ương Huế, 131 ca dương tính với sởi đã được ghi nhận, trong đó có nhiều trường hợp trẻ mắc biến chứng nặng, phải thở máy. Đáng chú ý, những trẻ có bệnh nền như bạch cầu cấp hay viêm não tự miễn có nguy cơ diễn biến nghiêm trọng hơn.

Các chuyên gia y tế cảnh báo sởi là bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Để phòng bệnh hiệu quả, trẻ cần được tiêm vaccine sởi đầy đủ, bao gồm cả mũi nhắc lại. Ngoài ra, phụ huynh nên tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn lây, duy trì vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ.

Bệnh viện Trung ương Huế và Sở Y tế TP Huế đã triển khai nhiều biện pháp giám sát dịch bệnh, tăng cường điều trị và kiểm soát lây nhiễm nhằm ngăn chặn dịch lan rộng, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

Đi ngoài đến 26 lần trong ngày, người phụ nữ tá hỏa khi biết mắc giun đũa lây từ 'thú cưng'

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân N.L, 65 tuổi (Quảng Ninh), nhập viện với triệu chứng đau bụng dữ dội, đi ngoài liên tục đến 26 lần/ngày, ngứa da kéo dài. Trước đó, bà L. đã điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng bệnh tái phát.

Qua khai thác tiền sử, gia đình bà nuôi một con chó lớn từng có dấu hiệu nôn ra sán. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà nhiễm giun đũa chó mèo (Toxocara spp) và sán lá gan lớn (Fasciola hepatica), với chỉ số IgE tăng gấp 16 lần mức bình thường, phản ánh phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Sau một tuần điều trị, bệnh nhân đã ổn định nhưng cần theo dõi trong 6 tháng để tránh tái nhiễm. Bác sĩ khuyến cáo tẩy giun định kỳ cho thú cưng, vệ sinh môi trường sống, sử dụng găng tay khi dọn dẹp, rửa tay sạch sẽ để phòng bệnh.

Đi ngoài đến 26 lần trong ngày, người phụ nữ tá hỏa khi biết mắc giun đũa lây từ 'thú cưng'- Ảnh 1.
Bệnh nhân đang điều trị giun đũa chó mèo tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC

Vỡ bồn vệ sinh, cô gái bị rách vùng kín

Chị T. (22 tuổi, TP.HCM) gặp tai nạn hy hữu khi ngồi xổm trên bồn vệ sinh, khiến bồn cầu vỡ và gây vết rách 3 cm ở vùng kín. Bệnh nhân chảy máu nhiều, dính vụn sứ từ bồn vỡ và được bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM khâu 4 mũi. May mắn, tổn thương không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Bác sĩ Lê Đức Hùng cho biết, vết thương vùng kín có thể do nhiều nguyên nhân như tai nạn, vận động mạnh, quan hệ tình dục thô bạo, hoặc sinh con. Trường hợp bồn cầu vỡ do sức nặng cơ thể là hiếm gặp. Chị T. được tiêm phòng uốn ván, dùng kháng sinh ngừa nhiễm trùng và xuất viện trong ngày.

Bác sĩ khuyến cáo không tự xử lý vết thương vùng kín tại nhà vì có thể gây biến chứng như nhiễm trùng, hẹp âm đạo, ảnh hưởng sinh sản. Để phòng tránh, phụ nữ nên thận trọng khi sử dụng bồn vệ sinh, tránh vận động mạnh, quan hệ tình dục an toàn và khám phụ khoa định kỳ.

Bình luận