Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Nhịp Sống Khỏe 22/1: Tưởng đột quỵ nhưng lại bị nhiễm sán não | Nhiễm ấu trùng do sở thích ăn đồ sống

VOH - Cẩn trọng ngộ độc thực phẩm từ những giỏ quà Tết; Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM xác lập kỷ lục ca mổ mắt và tim; Bệnh tay chân miệng và nguy cơ tái đi tái lại ở trẻ… là các tin nổi bật khác.

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM xác lập kỷ lục ca mổ mắt và tim 

Sáng 21-1, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập hội (ngày 22-1-1994 - 22-1-2024). 

Tại buổi lễ kỷ niệm, ông Trần Thành Long - chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM - cho hay trước nỗi khổ của người dân có hoàn cảnh khó khăn khi bệnh tật, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM đến nay tập trung cứu giúp bệnh nhân nghèo qua 13 chương trình. Trong đó, nổi bật nhất với hai chương trình lớn là cứu trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh và đem lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo.

Nhân dịp này, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao xác lập kỷ lục cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM trong chương trình từ thiện "Cứu giúp trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh" (10.000 ca) và chương trình "Đem lại ánh sáng cho bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể" (700.000 ca) vì cả hai chương trình đều có số ca phẫu thuật mắt và tim miễn phí nhiều nhất Việt Nam.

Cẩn trọng ngộ độc thực phẩm từ những giỏ quà Tết

Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết thời điểm cuối năm và đầu năm mới, xu hướng tặng giỏ quà gói sẵn, đẹp mắt, cũng nở rộ dịp cuối năm. Bên cạnh những giỏ quà chất lượng, nhiều người bán hàng đã cố tình đưa vào giỏ quà Tết những mặt hàng kém chất lượng, không nguồn gốc, hết hạn sử dụng. 

Thêm vào đó thực trạng thị trường rượu hiện nay, dùng chai rượu thật đã sử dụng để làm lại rượu giả rất phổ biến, người mua khó mà phân biệt được. Khi uống phải rượu giả, có thể gây các vụ ngộ độc cấp tính, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong.

Các loại kẹo, mứt, trà, rau câu, hạt dưa... trong giỏ quà hầu hết được đựng trong những hộp nhựa, không có thông tin đơn vị sản xuất, hạn dùng. Nếu sử dụng, người mua có khả năng bị ngộ độc thực phẩm, nhẹ sẽ rối loạn tiêu hóa, nặng hơn có thể rối loạn thần kinh.

Sở khuyến cáo người dân chỉ nên mua hàng ở những uy tín, tự tay chọn lựa từng món quà và nhờ người bán gói lại.

Nhịp Sống Khỏe 22/1: Tưởng đột quỵ nhưng lại bị nhiễm sán não | Nhiễm ấu trùng do sở thích ăn đồ sống 1
Tặng quà Tết, mua bánh kẹo là nét văn hóa phổ biến của người Việt. Ảnh Znews

Bệnh tay chân miệng và nguy cơ tái đi tái lại ở trẻ

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, lây từ người sang người do một nhóm siêu vi đường ruột, có thể tạo thành dịch. Bệnh chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Tay chân miệng có thể gặp quanh năm, nhưng xu hướng tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), trẻ đã khỏi bệnh tay chân miệng nhưng nếu tiếp xúc với nguồn lây vẫn có nguy cơ mắc bệnh lại, bởi miễn dịch ở trẻ em đối với bệnh này không bền vững.

Khi phụ huynh phát hiện con có những dấu hiệu sốt, loét miệng, nổi hồng ban mụn nước ở các vị trí lòng bàn tay hay lòng bàn chân, ngủ giật mình chới với... cần đưa con đến khám tại các cơ sở y tế. Do chưa có vaccine tay chân miệng, phụ huynh có thể phòng bệnh cho trẻ bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Nếu trẻ mắc bệnh, nên cho con nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp.

Nhịp Sống Khỏe 22/1: Tưởng đột quỵ nhưng lại bị nhiễm sán não | Nhiễm ấu trùng do sở thích ăn đồ sống 2
Trẻ bị tay chân miệng có nguy cơ tái nhiễm này không phòng ngừa đúng cách. Ảnh: Shutterstock.

Tưởng bị đột quỵ nhưng lại bị nhiễm sán não

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thời gian vừa qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp nhiễm các bệnh ký sinh trùng, điển hình là những bệnh ấu trùng sán dây lợn và một số bệnh ký sinh trùng khác.

Nhiều bệnh nhân bị nhiễm sán não vào nhập viện trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, nhìn mờ và liệt nửa người, khiến gia đình tưởng bị đột quỵ. Những trường hợp này rất hay ăn rau sống, nem thính và thỉnh thoảng ăn tiết canh, thịt lợn tái.

Bác sĩ Thọ cho hay, người mắc sán não ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, như suy giảm trí nhớ, bệnh nhân tới nhập viện trong trạng nhớ nhớ, quên quên như bệnh nhân tâm thần. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng một ngày có 5, 6 cơn co giật toàn thân. Đặc biệt trường hợp nặng còn để lại di chứng là những nốt vôi hóa không mất đi, khiến người bệnh thỉnh thoảng đau đầu, giật cơ nhẹ.

Do đó, bác sĩ Thọ nhấn mạnh, với bệnh ký sinh trùng, người bệnh cần phải điều trị triệt để và còn tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh, sự đáp ứng thuốc của từng bệnh nhân. Đồng thời, cần bỏ các món khoái khẩu như tiết canh, thực phẩm tái, sống để không mắc bệnh ký sinh trùng tấn công.

Nhịp Sống Khỏe 22/1: Tưởng đột quỵ nhưng lại bị nhiễm sán não | Nhiễm ấu trùng do sở thích ăn đồ sống 3
Ảnh minh họa tổn thương não do ổ sán não.

Nhiễm ấu trùng do sở thích ăn đồ sống

Ngày 21/1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BV 108) cho biết, các bác sĩ vừa thực hiện phẫu thuật thành công thành công cho một nam giới (sinh năm 1986, ở Hà Nội) bị nhiễm ấu trùng sán dây chó ký sinh tại phổi, rất hiếm gặp tại Việt Nam.

Trước khi khởi phát bệnh, người đàn ông này đã ăn các thực phẩm tái và sống nhiều lần như: thịt cừu nướng, tiết canh dê, rau sống và gỏi cá mai. Bệnh nhân phát hiện bệnh với tình trạng mệt mỏi, đau vùng ngực phải âm ỉ, thỉnh thoảng khó thở, không sốt, không ho, không mẩn ngứa, không sút cân.

Sau khi tới BV 108 khám, bệnh nhân đã được chỉ định chụp phim lồng ngực với kết quả cho thấy có tổn thương dạng nang thùy dưới phổi phải kích thước 12x9x8cm. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt nang dịch.

Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt nang dịch cho nam bệnh nhân này. Sau ca phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra được một nang dịch kích thước lớn, thành dày, dịch nang trong, bên trong có chứa các đầu sán nằm ở thùy dưới phổi phải và bệnh phẩm này đã được gửi soi tươi xác định là ấu trùng sán dây chó. Sau ca phẫu thuật, nam bệnh nhân diễn biến ổn định, hồi phục tốt.

Nhịp Sống Khỏe 22/1: Tưởng đột quỵ nhưng lại bị nhiễm sán não | Nhiễm ấu trùng do sở thích ăn đồ sống 4
Nhiễm ấu trùng do sở thích ăn đồ sống
Nhịp Sống Khỏe 22/1: Tưởng đột quỵ nhưng lại bị nhiễm sán não | Nhiễm ấu trùng do sở thích ăn đồ sống 5
Giải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển Y tế chuyên sâu”