Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Nhịp Sống Khỏe 29/1: Nhiều người mắc bệnh nguy hiểm do giun sán | Việt Nam có 354.000 người sống chung với ung thư

VOH - Nguy hiểm tiềm ẩn khi đốt than, củi sưởi ấm; Cẩn trọng với nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh; Hà Nội triển khai kế hoạch phòng ngừa sốt rét trở lại… là các tin nổi bật khác.

Nguy hiểm tiềm ẩn khi đốt than, củi sưởi ấm 

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi nhiệt độ xuống thấp, người dân thường có thói quen đốt than sưởi ấm. Mặc dù được cảnh báo nguy hiểm tiềm ẩn rất nhiều, nhưng trong những ngày giá rét vừa qua, nhiều người vẫn đốt than, củi sưởi ấm trong phòng kín.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, khi đốt các nhiên liệu chứa các-bon như củi, than củi, than tổ ong, xăng dầu,… ở trong không gian mở thoáng thì nhiên liệu cháy hết và cơ bản tạo ra khí CO2 (carbon dioxide) ít ảnh hưởng sức khỏe; nhưng nếu đốt trong khu vực kín cửa, nhiên liệu cháy dở dang sinh ra khí CO (carbon monoxide) lại là khí rất độc.

"Đây là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào "cái chết êm dịu", TS Nguyên nói. Vị chuyên gia chống độc cho biết: Bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi chúng ta hít phải, CO nhanh chóng ngấm vào máu và "cướp" mất ô xy trong máu, khiến nạn nhân khởi đầu có hiện tượng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu lả, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

Nếu hít phải lượng lớn khí CO, có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. Khoảng 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

Nhịp Sống Khỏe 29/1: Nhiều người mắc bệnh nguy hiểm do giun sán | Việt Nam có 354.000 người sống chung với ung thư 1
Nếu hít phải lượng lớn khí CO, có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh. Ảnh BVCC

Cẩn trọng với nguy cơ đột quỵ khi trời lạnh

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguy cơ bị đột quỵ tăng 80% khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C hoặc giảm đột ngột. Trời lạnh làm mạch máu co lại gây tăng huyết áp. Lạnh cũng có thể làm máu cô đặc, dẫn đến hình thành cục máu đông. Ở môi trường lạnh dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này là cơ hội cho những người có bệnh nền trước đó dễ bị đột quỵ hơn.

Để nhận biết đột quỵ, theo PGS.TS. Mai Duy Tôn: Thứ nhất, người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội. Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, nói không tròn vành rõ chứ, miệng méo, lệch một bên. Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.

"Thời gian từ khi xuất hiện các dấu hiệu đột quỵ đến khi bắt đầu điều trị là cực kỳ quan trọng, tức là dưới 6 tiếng từ khi khởi phát dấu hiệu đầu tiên. Đây được gọi là "thời gian vàng" quyết định sự sống của người bệnh cũng như hạn chế tối đa tổn thương não. Nếu người bệnh được đưa đến cơ sở y tế càng sớm thì tỷ lệ tử vong và di chứng nặng sẽ càng giảm", PGS Mai Duy Tôn lưu ý.

Nhịp Sống Khỏe 29/1: Nhiều người mắc bệnh nguy hiểm do giun sán | Việt Nam có 354.000 người sống chung với ung thư 2
Nam bệnh nhân 34 tuổi điều trị đột quỵ tại Bệnh viện E. Ảnh BVCC

Việt Nam có khoảng 354.000 người sống chung với ung thư mỗi năm

Tại Việt Nam, mỗi năm có trên 183.000 ca ung thư mới mắc, trên 122.000 ca tử vong do ung thư. Nếu tính cả số mới mắc và đã mắc còn sống khoảng 354.000 người thường xuyên sống chung với căn bệnh ung thư.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đưa ra tại lễ sơ kết chương trình chuyển đổi số vì sức khỏe phổi và công bố nền tảng sàng lọc bệnh phổi và các bệnh không lây nhiễm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức sáng 28/1.

Ung thư phổi là phổ biến đối với nam giới trên toàn cầu và Việt Nam, chiếm 1/4 trong số ca mắc ung thư hàng năm. Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư phổi do tỷ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam rất cao, đang có xu hướng gia tăng ở nữ giới và thanh thiếu niên.

Đặc biệt, xu hướng thế hệ trẻ hút thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang gia tăng nhanh chóng. Nhiều người cho rằng, hút thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới không có hại, nhưng qua các bằng chứng khoa học, nó không những gây ra nhiều bệnh mà còn nguy hiểm tới tính mạng như cháy nổ do hút thuốc lá điện tử, hoặc một số trường hợp tử vong khi trong thuốc lá mới chứa các chất ma túy. 

Nhịp Sống Khỏe 29/1: Nhiều người mắc bệnh nguy hiểm do giun sán | Việt Nam có 354.000 người sống chung với ung thư 3
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn phát biểu tại chương trình.

Nhiều người mắc bệnh nguy hiểm do giun sán

Thời gian qua, nhiều người mắc các bệnh nguy hiểm do giun sán gây ra phải nhập viện cấp cứu. Điều đáng nói là những bệnh nhân này nhiều năm liền không uống thuốc tẩy giun, nhiều trường hợp có thói quen ăn đồ sống và nuôi chó, mèo, tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm giun sán từ động vật truyền sang người.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét- Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt cũng như vệ sinh môi trường hiện nay rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng, như bệnh giun chỉ bạch huyết, bệnh giun truyền qua đất, bệnh sán truyền qua đường ăn uống. Đặc biệt là tình trạng nhiễm giun sán từ đất, từ động vật truyền sang người có chiều hướng gia tăng.

“Bệnh giun đũa, giun móc, giun tóc, giun truyền qua đất ví dụ như tại Hà Giang năm vừa rồi chúng tôi điều tra, kết quả tỷ lệ nhiễm là 78% trẻ tiểu học ở Hà Giang nhiễm giun đũa, giun móc, giun kim, giun truyền qua đất. Mặc dù một năm 2 lần chúng tôi cấp miễn phí thuốc giun từ trung ương tới địa phương để tẩy giun cho những trường hợp này, nhưng tỷ lệ nhiễm vẫn cao”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Trung Dũng nói.

Để phòng các bệnh lý do giun sán, các bác sĩ khuyến cáo: Thực hiện ăn chín, uống sôi; Rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải...; Quản lý phân người và phân động vật, không dùng phân tươi để bón rau; Sử dụng nước sạch và tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.

Hà Nội triển khai kế hoạch phòng ngừa sốt rét trở lại

Nhằm góp phần nâng cao sức khỏe của người dân, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch phòng ngừa bệnh sốt rét quay trở lại sau loại trừ và phòng, chống bệnh ký sinh trùng thường gặp giai đoạn 2024-2025.

Kế hoạch đặt ra các chỉ tiêu cụ thể gồm: 100% số người đi về từ vùng sốt rét lưu hành được quản lý, theo dõi, lấy máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét. 100% trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai được phát hiện, báo cáo, điều tra, quản lý, theo dõi và điều trị kịp thời, đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Xây dựng bản đồ và xác định vùng dịch tễ bệnh ký sinh trùng trên địa.

Đặc biệt, Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2024-2025 không có trường hợp tử vong vì sốt rét tại cộng đồng; giảm tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm và giảm gánh nặng bệnh giun, sán truyền từ động vật sang người gây nên tại các vùng dịch tễ. 

Nhịp Sống Khỏe 29/1: Nhiều người mắc bệnh nguy hiểm do giun sán | Việt Nam có 354.000 người sống chung với ung thư 4
Hà Nội triển khai kế hoạch phòng ngừa sốt rét trở lại. Ảnh minh hoạ

Em bé tử vong vì bị ép đeo khẩu trang

Theo ETtoday, dư luận Đài Loan (Trung Quốc) đang xôn xao với thông tin một em bé 11 tháng tuổi tử vong vì ngạt thở do đeo khẩu trang.

Nguồn tin cho biết em bé được gia đình gửi đến một trung tâm chăm sóc trẻ em ở thành phố Tân Bắc. Gần đây, do tình hình dịch bệnh hô hấp bùng phát, nhà trẻ đã cho các bé đeo khẩu trang để hạn chế lây nhiễm mầm bệnh.

Trong quá trình đeo khẩu trang, em bé 11 tháng tuổi tỏ ra khó chịu, liên tục quấy khóc. Nước mắt và nước mũi của cháu bé thấm ướt khẩu trang. Không ngờ rằng, điều này đã làm khẩu trang dính chặt vào miệng, mũi và làm em bé ngạt thở mà không ai hay biết.

Theo bác sĩ, trong vụ việc nói trên, khi khẩu trang bị ướt và dính chặt vào mặt có thể khiến tình trạng hô hấp của em bé tồi tệ hơn. Bác sĩ khuyến cáo mọi người cân nhắc kỹ lưỡng, không cưỡng ép trẻ dưới 1-2 tuổi đeo khẩu trang. Trường hợp trẻ đột ngột im lặng sau khi đeo khẩu trang, người chăm sóc cần cảnh giác, quan sát kỹ tình trạng sức khỏe của bé để tránh tình huống xấu có thể xảy ra.

Nhịp Sống Khỏe 29/1: Nhiều người mắc bệnh nguy hiểm do giun sán | Việt Nam có 354.000 người sống chung với ung thư 5
Bác sĩ lưu ý việc buộc các em bé nhỏ đeo khẩu trang không được khuyến khích về mặt y tế. Ảnh minh họa: Pexels.
Nhịp Sống Khỏe 29/1: Nhiều người mắc bệnh nguy hiểm do giun sán | Việt Nam có 354.000 người sống chung với ung thư 6
iải thưởng Thành tựu Y khoa Việt Nam 2023 với chủ đề “Phát triển Y tế chuyên sâu”