Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những điều cần biết khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19

(VOH) – Từ ngày 20/6, TPHCM bắt đầu tiến hành đợt tiêm chủng ngừa COVID-19 thứ 4 với 836.000 liều. Vậy người đi tiêm chủng cần chuẩn bị và lưu ý những gì trước khi tiến hành tiêm?

Sau đây là một số thông tin hữu ích giúp người dân hiểu rõ hơn quy trình tiêm chủng cũng như những lưu ý để chuẩn bị tốt trước khi tiêm chủng:

Trước khi tiêm chủng

Trước khi đi tiêm chủng, người dân cần chuẩn bị những điều sau:

- Giấy tờ tùy thân (căn cước công dân/chứng minh nhân dân)

- Các giấy tờ liên quan đến sức khỏe như thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh, giấy ra viện, đơn thuốc, phiếu tiêm các vắc xin khác….sử dụng trong thời gian gần đây nếu có.

- Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT) trên điện thoại thông minh, khai báo thông tin cần thiết.

- Ăn uống đầy đủ trước khi tiêm chủng.

Chủ động liên hệ tìm hiểu thông tin về loại vắc xin được tiêm, lịch tiêm mũi tiếp theo, các dấu hiệu có thể xuất hiện sau tiêm chủng và cách xử lý, cơ sở y tế và số điện thoại liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

Khi đi tiêm chủng

Tại nơi tiêm chủng, bên cạnh việc trình các giấy tờ cần thiết đã chuẩn bị, người dân cần:

- Thực hiện Thông điệp 5K

- Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về các thông tin sức khỏe của bản thân: có đang sốt, mắc bệnh cấp tính, các bệnh mạn tính mắc phải hoặc đang điều trị, các thuốc hoặc liệu trình đang hoặc đã sử dụng gần đây, tiền sử dị ứng hoặc phản vệ với bất kỳ tác nhân nào.

Nếu là lần tiêm thứ 2, phải thông báo cho cán bộ y tế về các phản ứng gặp phải sau lần tiêm thứ 1.

- Tình trạng nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc mắc COVID-19 nếu có.

- Các vắc xin tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua.

- Nếu là nữ cần thông tin thêm về việc có đang mang thai hoặc nuôi con bú.

Sau khi tiêm chủng

- Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm để được cán bộ y tế theo dõi, phát hiện sớm các phản ứng.

- Khi về nhà, nơi làm việc: Chủ động theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 3 tuần sau tiêm.

- Duy trì thực hiện 5K sau khi tiêm.

- Lưu giữ Giấy xác nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Tự theo dõi sức khỏe sau tiêm phòng vắc xin Covid-19 như thế nào?

Các lưu ý khác:

- Thông báo cho cán bộ y tế và cập nhật trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (SSKĐT) các triệu chứng gặp phải sau khi tiêm.

- Không bôi, đắp thuốc hoặc bất kỳ thứ gì lên vết tiêm.

- Không tự điều khiển phương tiện giao thông cá nhân khi thấy không khỏe sau khi tiêm vắc xin.

- Lưu lại thông tin về bác sĩ theo dõi

Các dấu hiệu gặp phải sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19:

 Sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng đỏ, đau tại vết tiêm, bồn chồn…Đây là các dấu hiệu thông thường, chứng tỏ cơ thể đang tạo ra miễn dịch phòng bệnh COVID-19.

Các dấu hiệu nghiêm trọng sau tiêm vắc xin cần chú ý:

- Ở miệng: tê quanh môi và/hoặc lưỡi…

- Ở da: phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da…

- Ở họng: ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc…

- Đường tiêu hóa: nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng….

- Đường hô hấp: thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho

- Toàn thân: mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp…

Dấu hiệu thông thường diễn biến nặng lên: sốt cao ≥ 39°C, sưng/đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp hoặc kẹt huyết áp…

Các dấu hiệu trên nếu gặp phải sau khi tiêm vắc xin COVID-19, người tiêm cần liên hệ gấp cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Sau đây là sơ đồ bố trí một khu vực tiêm vắc xin ngừa COVID-19:

sơ đồ khu vực tiêm chủng
 
Bình luận