Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Những điều cần biết về hội chứng ruột kích thích ở trẻ em

(VOH) – Phần lớn các bé đều trải qua ít nhất 1 lần bị táo bón, tiêu chảy hay đau bụng. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên, hãy cẩn thận vì có thể đây là hội chứng ruột kích thích ở trẻ.

Chắc hẳn bé nào cũng từng trải qua ít nhất một lần bị táo bón, tiêu chảy hoặc đau bụng. Nhiều mẹ cho rằng đây là điều hết sức bình thường mà đứa trẻ nào cũng phải trải qua. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài và với tần suất thường xuyên hơn, hãy cẩn thận vì rất có thể đây là hội chứng ruột kích thích ở trẻ em. 

Hội chứng ruột kích thích ở trẻ em là gì?

Hội chứng ruột kích thích – tên tiếng anh là Irritable bowel syndrome (viết tắt là IBS) – là một rối loại mãn tính xảy ra ở ruột già (hay còn gọi là đại tràng, ruột kết). Ruột già là nơi hấp thụ nước và các chất dinh dưỡng từ thức ăn đã được tiêu hóa một phần từ ruột non. Những chất không thể hấp thụ được qua ruột già sẽ được đẩy ra khỏi cơ thể qua hậu môn, gọi là phân.

nhung-dieu-can-biet-ve-hoi-chung-ruot-kich-thich-o-tre-em-voh

Hội chứng ruột kích thích ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Đây là lý do tại sao ruột lại bị “kích thích”. Để đi tiêu, các cơ trong ruột già và các bộ phận còn lại của cơ thể phải làm việc cùng nhau. Nếu quá trình này bị gián đoạn bởi bất kỳ nguyên nhân nào đó khiến thức ăn trong ruột già không thể di chuyển trơn tru, ví dụ như bị tắc nghẽn hoặc di chuyển quá nhanh. Điều này có thể khiến ruột bị tổn thương và gây ra những triệu chứng đau đớn cho trẻ.

Theo các bác sĩ nhi khoa, những trẻ bị hội chứng ruột kích thích có phần ruột nhạy cảm hơn bình thường. Do đó, bất cứ thứ gì gây khó chịu ở trẻ khỏe mạnh sẽ gây ra những cơn đau nghiêm trọng cho những trẻ bị hội chứng ruột kích thích. 

Triệu chứng điển hình của hội chứng ruột kích thích ở trẻ em

Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích ở mỗi trẻ khác nhau sẽ khác nhau. Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích có thể bao gồm:

  • Đau bụng liên tục tái phát. Đau liên tục trên 3 tháng được xem là mãn tính.
  • Thay đổi thói quen đi tiêu. Ví dụ như tiêu chảy hoặc táo bón
  • Buồn nôn, khó chịu
  • Cảm thấy chóng mặt
  • Ăn không ngon
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Chuột rút
  • Buồn đi tiêu
  • Mót rặn, phân són
  • Có chất nhầy trong phân

nhung-dieu-can-biet-ve-hoi-chung-ruot-kich-thich-o-tre-em-1-voh

Các triệu chứng điển hình của hội chứng ruột kích thích (Nguồn: Internet)

Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích ở trẻ

Cho đến nay, vẫn chưa có nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng ruột kích thích ở trẻ. Một đứa trẻ bị hội chứng ruột kích thích có ruột già nhạy cảm hơn bình thường. Điều này có nghĩa là ruột già có phản ứng mạnh mẽ với những thứ mà bình thường không ảnh hưởng đến nó.

Tuy nhiên có một số nguyên nhân được cho là gây ra các triệu chứng hội chứng ruột kích thích ở trẻ: 

  • Trẻ bị stress, căng thẳng quá mức: trẻ bị áp lực quá lớn trong học tập, hoặc trẻ bị bị căng thẳng do gia đình như bố mẹ cãi nhau…
  • Trẻ gặp vấn đề với các loại thức ăn mà trẻ tiêu hóa: ví dụ như quá nhiều chất béo cũng khiến trẻ khó tiêu, quá nhiều đồ cay, nóng khiến triệu chứng của trẻ trở nên nặng hơn.
  • Có quá nhiều vi khuẩn phát triển trong ruột của trẻ.

nhung-dieu-can-biet-ve-hoi-chung-ruot-kich-thich-o-tre-em-2-voh

Stress khiến trẻ dễ mắc hội chứng ruột kích thích (Nguồn: Internet)

Trẻ nào có nguy cơ cao mắc hội chứng ruột kích thích?

Trẻ em có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích cao nếu một trong hai hoặc cả cha mẹ đều mắc chứng rối loạn này. Trẻ lớn có nhiều nguy cơ hơn trẻ nhỏ. Nguy cơ mắc hội chứng ở bé trai và bé gái là như nhau.

Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích ở trẻ

Theo tiêu chuẩn Rome IV, Hội chứng ruột kích thích ở trẻ được chẩn đoán bởi tình trạng đau bụng tái phát, xảy ra ít nhất một lần một tuần, liên tục trong 3 tháng gần đây và kết hợp cùng với 2 hoặc 3 yếu tố dưới đây:

  • Thay đổi số lần đi đại tiện
  • Cải thiện sau khi đi cầu
  • Thay đổi hình dạng, tính chất của phân

Không có xét nghiệm nào để chẩn đoán chính xác hội chứng ruột kích thích. Thông thường các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng cách lắng nghe cha mẹ mô tả về các triệu chứng ở trẻ. Do đó, cha mẹ hãy lưu ý và quan sát thật kỹ khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường nhé. 

Điều trị hội chứng ruột kích thích cho trẻ như thế nào?

Hiện tại, chưa có cách nào giúp điều trị triệt để hội chứng ruột kích thích. Mục tiêu chính của việc điều trị là làm giảm các triệu chứng và giúp bé trở lại với các hoạt động bình thường hàng ngày. Việc điều trị này có thể bao gồm:

  • Thay đổi chế độ ăn uống
  • Đường lactose có thể gây ra các triệu chứng hội chứng ruột kích thích. Nếu bé nhà bạn không dung nạp được đường lactose, tốt nhất mẹ nên hạn chế đường lactose với trẻ.
  • Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn quá nhiều dầu mỡ và đồ ăn cay, nóng.

nhung-dieu-can-biet-ve-hoi-chung-ruot-kich-thich-o-tre-em-3-voh

Hạn chế đồ cay nóng ở trẻ bị hội chứng ruột kích thích (Nguồn: Internet)

  • Hạn chế ăn quá no trong mỗi bữa ăn, thay vào đó hãy chia nhỏ các bữa ăn cho trẻ, ăn ít hơn với tần suất nhiều hơn. 
  • Bổ sung lợi khuẩn (men vi sinh) cho trẻ.
  • Điều trị bằng thuốc
  • Việc sử dụng thuốc điều trị chỉ khi bé có các triệu chứng nghiêm trọng và phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Kiểm soát căng thẳng ở trẻ.
  • Căng thẳng có thể gây ra hội chứng ruột kích thích, do đó, khi trẻ đang gặp phải các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, hãy cố gắng giúp trẻ tập trung vào một điều gì đó vui vẻ và dễ chịu nhé.

Các biến chứng của hội chứng ruột kích thích

Khi trẻ bị hội chứng ruột kích thích thường cảm thấy không được khỏe. Các triệu chứng có thể khiến trẻ căng thẳng và rối loạn cảm xúc. Ví dụ, khi trẻ bị tiêu chảy và không thể đi vệ sinh kịp thời, điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy xấu hổ, khi đó trẻ sẽ không muốn đến trường và chơi cùng bạn bè. Lâu dài có thể gây ra lo lắng và trầm cảm.

Hầu hết trẻ bị hội chứng ruột kích thích vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng và phát triển bình thường. Nhưng một số trẻ có thể ăn ít hơn do ăn vào là đau nên có thể dẫn đến giảm cân. 

Trên đây là những điều cần biết về hội chứng ruột kích thích ở trẻ em. Trẻ bị hội chứng ruột kích thích rất dễ mệt mỏi, thường xuyên đau đớn. Do đó, trẻ rất cần sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Hãy kiên nhẫn, nhẹ nhàng cùng con vượt qua giai đoạn khó khăn này cha mẹ nhé. 

Bài viết được cung cấp bởi công ty Delap