Phụ nữ thường gặp khó chịu nào khi mang thai?
Theo TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà (Giảng viên trường ĐH Y Dược TPHCM), khi mang thai, do sự thay đổi của cơ thể cũng như nội tiết do bánh nhau tiết ra để giữ thai sẽ có thể gây ra nhiều khó chịu khác nhau trên khắp cơ thể mẹ bầu, cụ thể:
- Về hệ thần kinh
Phụ nữ khi mang thai thường chịu nhiều khó chịu, mệt mỏi (Nguồn: Internet)
Do nội tiết tăng cao, cơ thể giữ nước sẽ gây hiện tượng phù não nhẹ khiến thần kinh rất dễ kích thích nên thai phụ thường dễ bị thay đổi tâm trạng buồn vui thất thường... Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố cũng khiến cho hệ thần kinh mất cân bằng, làm thay đổi thân nhiệt gây nóng nực, bực bội...
- Hệ tuần hoàn
Hệ tuần hoàn gồm nhiều thành phần, trong đó tim có nhiệm vụ co bóp để đưa máu và oxy đến các cơ trong cơ thể và em bé. Bình thường, lượng máu cơ thể người sẽ nằm khoảng 4 lít, tuy nhiên, khi mang thai máu có thể tăng lên 6 – 7 lít, đặc biệt là vào tuần thai thứ 22 – 24 của thai kỳ. Khi lượng máu tăng lên sẽ khiến tim làm việc nhiều hơn trong mỗi lần co bóp, nên mẹ bầu sẽ có cảm giác rất mệt, bị hụt hơi. Tình trạng này sẽ xảy ra trong khoảng 2 tuần, sau đó giảm dần bởi mẹ bầu đã quen dần với nhịp co bóp của tim.
- Hệ hô hấp
Phụ nữ mang thai hơi thở sẽ khác hơn so người bình thường, đặc biệt khi thai càng lớn hơi thở mẹ bầu càng khó khăn hơn do tử cung căng chặt và đẩy cơ hoành lên cao, làm cho dung tích thở giảm đi nên có thể cso cảm giác bị thiếu oxy.
- Hệ tiêu hóa
Khi mang thai nội tiết thay đổi khiến dạ dày tiết ra nhiều dịch vị, tính axit tăng cao nên thai phụ thường bị đau vùng thượng vị, thường xuyên buồn nôn, khó chịu, bị đầy hơi khó tiêu, táo bón...
- Hệ tiết niệu
Giai đoạn đầu thai kỳ, mẹ bầu có thể gặp phải tình trạng tiểu nhiều lần do khi mới mang thai tử cung to lên và chèn ép vào bọng đái. Ở giai đoạn cuối thai kỳ mẹ bầu cũng có thể gặp lại tình trạng này do đây là thời điểm đầu em bé quay xuống chèn vào bọng đái.
- Hệ cơ xương khớp
Đau lưng, đau khớp là vấn đề thường gặp ở bà bầu (Nguồn: Internet)
Khi nội tiết tăng lên trong thai kỳ sẽ giữ nước trong các cơ quan khiến thai phụ thường bị đau khớp cổ tay, đau khớp ở giữa đốt bàn tay, ngón tay, đau khớp háng, xương mu, đau lưng, đau thắt lưng...
- Hệ sinh dục
Nội tiết tăng khiến niêm mạc âm đạo dày lên phụ nữ có thể bị huyết trắng khi mang thai. Tuy nhiên, nếu tình trạng huyết trắng khi mang thai không gây khó chịu, không có màu bất thường, không gây ngứa, gây hôi thì thai phụ không cần đi khám bác sĩ.
Như vậy, khi mang thai nội tiết tố tăng lên sẽ làm ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan từ đầu đến chân và gây ra các triệu chứng khiến mẹ bầu vô cùng khó chịu, nhưng phần lớn các vấn đề đều là do sinh lý nên mẹ bầu không cần quá lo lắng.
Những khó chịu nào được xem là không bình thường?
TS, BS Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết, tất cả các yếu tố sinh lý nếu diễn tiến quá nhiều đều có thể trở thành bệnh lý. Chẳng hạn như:
- Tử cung co gây chèn ép bọng đái lâu ngày có thể dẫn đến nhiễm trùng tiểu. Nhiễm trùng tiểu nếu không được điều trị sẽ khiến màng ối bị viêm, sau đó bị vỡ ối non và gây sinh non hoặc sảy thai.
- Tình trạng giữ nước trong thai kỳ có thể khiến da, chân bị phù nề. Tình trạng phù nề nếu kèm theo huyết áp cao sẽ có thể gây ra tiền sản giật.
- Mẹ bầu bị huyết trắng nhiều khiến vùng kín luôn ẩm ướt sẽ có thể chuyển sang nấm âm đạo, gây ngứa, rát, đau thậm chí là bị nhiễm trùng tiểu.
Làm thế nào để giảm khó chịu khi mang thai?
Để giảm khó chịu khi mang thai bản thân mẹ cầu lưu ý những điều sau đây:
- Hệ thần kinh: Mẹ bầu cần giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ. Bên cạnh đó, người chồng nên thể hiện sự chăm sóc, chia sẻ, quan tâm để giảm thiểu sự buồn phiền của người phụ nữ mang thai.
- Hệ tiêu hóa: Để giảm bớt khó chịu mẹ bầu có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ. Hạn chế sử dụng các chất kích thích tiêu, ớt... Đặc biệt không nên để bụng đói.
- Hệ tiết niệu: Mẹ bầu nên tăng cường uống nước nhiều hơn. Mỗi ngày mẹ bầu có thể uống từ 3 – 3.5 lít nước, bao gồm nước lọc, sữa và các loại nước khác....
- Hệ tim mạch hô hấp: Mẹ bầu có thể cải thiện bằng cách tập thở và vận động cơ thể nhẹ nhàng.
- Hệ sinh dục: Nên giữ vệ sinh vùng kín sạch và khô.
- Hệ cơ xương khớp: Ngâm tay – chân bằng nước ấm vào buổi tối. Thực hiện một số bài tập vật lý trị liệu dành cho bà bầu. Đồng thời bổ sung thêm các loại thuốc khác như canxi, vitamin, sắt... theo chỉ định bác sĩ.
Tóm lại, những khó chịu mà mẹ bầu phải trải qua trong thai kỳ phần lớn là hiện tượng sinh lý bình thường, mẹ bầu chỉ cần đảm bảo nghỉ ngơi nhiều, uống đủ nước, tập thể dục, ăn uống hợp lý và giữ tinh thần lạc quan thì sẽ có được một thai kỳ khỏe mạnh.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:
Dấu hiệu bà bầu thiếu canxi và cách bổ sung canxi trong thai kỳ cho mẹ : Canxi là một trong những chất cần thiết cho phụ nữ trong thai kỳ. Tuy nhiên, rất nhiều bà bầu bị thiếu canxi nhưng lại không biết cách bổ sung như thế nào cho phù hợp.