Chờ...

Những người nào không nên uống trà hoa hồng?

VOH - Sở dĩ trà hoa hồng được các nhiều bạn gái ưa chuộng không chỉ bởi hương thơm ngào ngạt mà còn có rất nhiều công dụng tốt cho cơ thể và làn da của họ.

Uống trà hoa hồng, ngoài việc giúp giảm cân còn làm đẹp da đẹp dáng. Với các cô gái bị kinh ít, máu kinh không đều hoặc bị đau bụng kinh - uống trà hoa hồng với liều lượng thích hợp sẽ giúp giảm đau bụng kinh rất nhiều.

Tuy nhiên, khi có kinh cần cẩn thận, tốt nhất là không nên uống trà hoa hồng quá nhiều, tránh để máu kinh ra nhiều hơn.

 trà hoa hồng
Trà hoa hồng có rất nhiều công dụng tốt cho cơ thể, giúp các cô gái đẹp da đẹp dáng - Ảnh: TVBS

4 nhóm người không nên uống trà hoa hồng

Lai Ruixin, một bác sĩ Đông y (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, trà hoa hồng có tác dụng nhuận tràng, giàu vitamin C, có thể thúc đẩy nhu động ruột, thực sự có thể gây tác dụng phụ tiêu chảy. Tuy nhiên, có 4 nhóm người không nên uống trà hoa hồng.

Người có chức năng đường tiêu hóa không tốt

Nếu người có chức năng tiêu hóa kém uống quá nhiều trà hoa hồng hoặc nồng độ nước trà quá cao rất dễ gây ra tác dụng phụ tiêu chảy và đau đầu.

Người thiếu máu và thể chất hàn

Phụ nữ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, tay chân lạnh toát, kinh nguyệt ít có thể tỳ vị hư hàn hoặc khí huyết kém (trong y học cổ truyền gọi là máu huyết hư hay khí huyết lưỡng hư ở phụ nữ), không thích hợp uống trà hoa hồng.

Người đang bụng đói

Trà hoa hồng chứa nhiều axit tannic, uống khi bụng đói có thể ảnh hưởng xấu đến niêm mạc dạ dày, dễ gây đau bụng và tiêu chảy.

Phụ nữ mang thai

Trà hoa hồng có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu, loại bỏ huyết ứ, phụ nữ mang thai không nên uống để tránh tăng khả năng sảy thai.

trà hoa hồng
Trà hoa hồng chứa axit tannic, uống quá nhiều sẽ cản trở bà mẹ bầu hấp thu sắt rất cần thiết cho sức khỏe của thai nhi. -  Ảnh: TVBS

Thay thế trà hoa hồng bằng trà gì?

Bác sĩ Lai Ruixin cho biết, nếu mọi người muốn uống trà hoa hồng để đẹp da đẹp dáng nhưng lại thuộc 4 nhóm trên thì có thể thay thế bằng cách uống trà táo đỏ (táo tàu, hồng táo). Chọn lấy 3 đến 5 trái táo tàu đỏ bỏ vào ly, rót nước nóng đun sôi vào ngâm khoảng trong 10 phút, sau đó uống như uống nước trà.

Xem thêm: 3 cách làm nước hoa hồng tại nhà siêu đơn giản để làm đẹp da

Bác sĩ Lai Ruixin cho biết thêm, dưới góc nhìn của Đông y, hoa hồng là một dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền, có thể giúp thúc đẩy lưu thông máu và loại bỏ máu ứ, có tác dụng bổ khí, giảm trầm cảm, điều hòa khí huyết, giảm đau, ngăn ngừa nhiều bệnh tật.

Trên lâm sàng, hoa hồng thường dùng để chữa các triệu chứng phụ khoa như kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, ngực căng tức do khí huyết thiếu hoặc khí trệ huyết ứ; Hoặc chữa trị tức ngực, tâm trạng không tốt, khó thở, ăn không tiêu do can khí xâm nhập dạ dày (còn gọi là “gan dạ bất hòa” hoặc “gan tỳ bất hòa”) và các triệu chứng khác.