Tiêu điểm: Nhân Humanity

Những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ có thể bạn chưa biết

(VOH) - Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ nhưng các yếu tố sau đây đã được chứng minh có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ nhiều hơn.

Có thể nói, đột quỵ đang trở thành một vấn đề sức khỏe của cộng đồng khi các số liệu ghi nhận có khoảng 200.000 ca mắc mới mỗi năm và 1/2 trong số đó có nguy cơ tử vong cao. Không những vậy, người bệnh còn phải chịu những ảnh hưởng, di chứng rất nặng nề sau đột quỵ. Đây là bệnh lý được nhận định có tính chất nguy hiểm cao nên việc nhận biết các yếu tố nguy cơ có thể gây đột quỵ là vô cùng cần thiết. 

1. Những yếu tố nguy cơ nào làm tăng đột quỵ?

Theo bác sĩ Trương Lê Tuấn Anh (Phó khoa bệnh lý mạch máu não, BV 115), đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa bởi không chỉ xuất hiện ở người cao tuổi mà tỷ lệ người bị đột quỵ ngày càng trẻ hơn. Chính vì thế, những yếu tố nguy cơ đột quỵ cũng đang trở thành yếu tố đe dọa đối với tất cả mọi người.

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, tuy nhiên các yếu tố này đã được chia ra làm 2 nhóm đó là: nhóm yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được và nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.

1.1 Nhóm yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

  • Tuổi tác

nhung-yeu-to-lam-nguy-co-dot-quy-co-the-ban-chua-biet-voh

Người già là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ (Nguồn: Internet)

Là yếu tố nguy cơ cao nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến đột quỵ. Bất cứ ai cũng có nguy cơ bị đột quỵ, tuy nhiên người già có nguy cơ cao hơn người trẻ. Theo ghi nhận, sau 50 tuổi, cứ tăng lên 10 tuổi nguy cơ đột quỵ sẽ tăng thêm gấp 2 lần và theo số liệu dịch tễ học thì bệnh nhân đột quỵ sau 65 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất.

  • Giới tính

Theo các nghiên cứu, tỷ lệ đột quỵ ở nam giới cao hơn nữ giới. Với người trẻ tuổi, tỷ lệ nam và nữ giới mắc bệnh đột quỵ là bằng nhau. Riêng phụ nữ tuổi mãn kinh tỷ lệ bị đột quỵ ở mức khá cao.

  • Các yếu tố di truyền, trong đó có phụ thuộc chủng tộc

Thông thường, các đối tượng có người thân trực hệ ví dụ như ba mẹ, anh chị em ruột bị đột đột quỵ khi còn trẻ tuổi (nam giới là <55 tuổi và nữ giới < 65 tuổi) thì những đối tượng này sẽ có nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2,4 lần so với những người không có người thân bị đột quỵ.

1.2 Nhóm yếu tố nguy cơ có thể thay đổi

Theo bác sĩ Tuấn Anh, nhóm yếu tố nguy cơ mà bạn có thể chủ động thay đổi và điều chỉnh được chính là những yếu tố bệnh lý. Những người có các bệnh lý nền hoặc có những vấn đề sức khỏe sau đây thường sẽ rất dễ bị đột quỵ:

  • Tăng huyết áp.
  • Hút thuốc lá.
  • Các bệnh lý tim mạch.
  • Bệnh nhân có thói quen uống nhiều rượu.
  • Béo phì .
  • Bệnh đái tháo đường.
  • Rối loạn mỡ trong máu.
  • Người sử dụng thuốc tránh thai có tình trạng căng thẳng .

Như vậy, có rất nhiều những yếu tố nguy cơ đối với bệnh lý đột quỵ. Ngoài những yếu tố không thay đổi được như vấn đề tuổi tác, giới tính, yếu tố di truyền thì cũng có nhiều yếu tố mà bạn có thể chủ động trong việc làm giảm nguy cơ đột quỵ.

2. Mối liên hệ giữa bệnh đột quỵ và các yếu tố nguy cơ

Bác sĩ Tuấn Anh cho biết, mặc dù các yếu tố bệnh lý là những yếu tố có thể thay đổi được, tuy nhiên những yếu tố này lại có thể gây ra những hệ lụy sức khỏe nguy hiểm hơn và nhanh hơn.

2.1 Tình trạng tăng huyết áp và đột quỵ

Theo y học, người có tình trạng cao huyết khi có chỉ số huyết áp > 140/90 mmHG và đây là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của đột quỵ. Nếu tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát tốt thì nguy cơ đột quỵ nguyên phát và tái phát sẽ rất cao, khoảng từ 4-6 lần. 

nhung-yeu-to-lam-nguy-co-dot-quy-co-the-ban-chua-biet-1-voh

Tăng huyết áp là nguy cơ quan trọng có thể gây đột quỵ (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, tình trạng tăng huyết áp còn có thể làm nặng thêm tình trạng xơ vữa mạch máu và làm tăng áp lực lên thành mạch máu gây vỡ mạch máu.

Chính vì thế, việc kiểm soát huyết áp là 1 yếu tố hết sức quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ.

2.2 Tình trạng hút thuốc lá và đột quỵ

Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam rất cao chiếm khoảng hơn 40% và đây cũng là một yếu tố nguy cơ nguy hiểm vì có thể dẫn đến tình trạng đột quỵ. Nguyên nhân là do hút thuốc lá sẽ làm tăng quá trình xơ vữa mạch máu, làm cho rối loạn quá trình đông máu do nó gây ảnh hưởng đến những chất làm đông máu, chẳng hạn như chất fibrinogen. 

2.3 Bệnh lý tim mạch và đột quỵ

Bệnh lý tim mạch được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng thứ 2 đứng sau tăng huyết áp. Bệnh lý tim mạch nguy hiểm và có liên quan đến đột quỵ chính là tình trạng rung nhĩ

Rung nhĩ là tình trạng co bóp bất thường của tâm nhĩ trái, cụ thể tâm nhĩ trái co bóp nhanh gấp 4 lần so với các buồng tim còn lại. Điều này dẫn đến sự bất thường của các dòng chảy trong mạch máu và tạo điều kiện để thành lập các cục huyết khối trong các buồng tim. Huyết khối này có thể bong ra và đi khắp cơ thể gây tắc mạch nghẽn mạch não.

3. Kiểm soát yếu tố nguy cơ đột quỵ như thế nào?

Bác sĩ Tuấn Anh cho biết, muốn kiểm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ điều đầu tiên bạn cần làm là phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên, đặc biệt là những người có các bệnh lý như: tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, tiểu đường, rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu)..

Thông thường, các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ sẽ được giảm bớt tối đa nếu được kiểm soát bằng các loại thuốc điều trị tích hợp và bằng cách thay đổi lối sống.

Lời khuyên bác sĩ: Điều quan trọng nhất khi xử trí đột quỵ đó là khi bạn có những nghi ngờ về tình trạng đột quỵ, chẳng hạn như: méo miệng, liệt nửa người, nhìn 1 người thành 2, rối loạn cảm giác, nói khó...  thì bạn nên nhanh chóng đến các bệnh viện chuyên khoa có khả năng điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết để được thăm khám chính xác và xử trí kịp thời.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới:

Bình luận