Bệnh nhên H. (41 tuổi, ngụ Cần Thơ) đến Trung tâm kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy - Việt Nhật (HECI) đăng ký tầm soát và được chỉ định tầm soát chuyên sâu về lao và cho kết quả dương tính.
Ekip bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và tham vấn phương án điều trị. Anh H. đã được điều trị lao khoảng 3 tháng và hiện tại không còn triệu chứng khó chịu gì.
Khác với anh H., anh S. (33 tuổi, ngụ TPHCM) có triệu chứng ho đàm kéo dài hơn 1 năm, đã khám và điều trị ở 1 số cơ sở y tế nhưng không cải thiện. Được người quen giới thiệu, anh S. đăng ký khám tại Trung tâm HECI.
Kết quả kiểm tra ghi nhận, phổi anh S. có tổn thương mô kẽ kèm tạo hang thùy trên phổi phải, kết quả kiểm tra đàm dương tính vi khuẩn lao.
Dưới sự tham vấn của ekip bác sĩ, anh đã thực hiện điều trị theo phác đồ. Sau điều trị 1 tháng, anh S. không còn triệu chứng ho đàm. Sau 6 tháng dùng thuốc, anh được kiểm tra lại và ghi nhận tổn thương phổi đã cải thiện đáng kể.
Một trường hợp khác là anh Q. đến khám với các triệu chứng ho đàm, khó thở và sụt cân rất nhiều trên cơ địa là hút thuốc lá hơn 30 gói/năm. Kết quả chụp CT ngực cho thấy, tổn thương tạo u tại phổi trái - là bệnh lý ác tính.
Anh Q. đã được phẫu thuật kịp thời, lấy hết khối u và được xét nghiệm giải phẫu bệnh với kết quả là u hạt lao.
Tầm quan trọng của 'khám sức khỏe định kỳ'
Bệnh lao (Tuberculosis) là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn có tên là Mycobacterium tuberculosis gây ra, thường ảnh hưởng đến phổi. Hiện nay, bệnh lao vẫn là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu thế giới.
Bệnh hiện diện ở tất cả các quốc gia, có thể xảy ra ở mọi nhóm tuổi. Theo thống kê gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 10,8 triệu người mắc bệnh lao và khoảng 1,25 triệu người tử vong vì bệnh lao vào năm 2023. Tuy nhiên, bệnh có thể chữa khỏi cũng như phòng ngừa được.
Bệnh lây lan qua đường không khí khi người mắc bệnh lao ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ. Chỉ có khoảng 5-10% số người bị nhiễm vi khuẩn lao phát triển thành bệnh lao trong suốt cuộc đời.
Một số biến chứng lao phổi nặng hơn bao gồm tổn thương chức năng phổi, đau xương khớp, lao màng não, tổn thương gan, thận... thậm chí có thể gây tử vong.
Các triệu chứng của bệnh có thể nhẹ kéo dài trong nhiều tháng như ho kéo dài (đôi khi có thể có máu), đau ngực, mệt mỏi, sụt cân, sốt, đổ mồ hôi về đêm… Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh lại không có bất kỳ triệu chứng nào.
Theo các bác sĩ, việc tầm soát sức khỏe định kỳ góp phần phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và chưa có biểu hiện triệu chứng.
Bệnh cảnh lao phổi có thể biểu hiện đa dạng và việc khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện và tầm soát được bệnh. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời góp phần giúp ngăn ngừa các di chứng tại phổi (tràn khí, tràn dịch màng phổi, xơ phổi) cũng như giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Những đối tượng sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh lao phổi cần chú ý là những người có đái tháo đường, suy giảm hệ thống miễn dịch, suy dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu.