Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tìm hiểu quả kha tử có tác dụng gì?

(VOH) - Kha tử là cây mọc hoang và được trồng nhiều ở một số tỉnh miền Nam nước ta. Từ đâu, quả kha tử được biết đến là loại thảo dược có nhiều công dụng chữa bệnh. Vậy quả kha tử có tác dụng gì?

1. Đặc điểm của quả kha tử

Cây kha tử (còn được gọi là chiêu liêu, tùy phong tử, a tử, hà tử) là một cây thuốc quý dạng cây gỗ, cao khoảng 15 – 20m. Lá mọc đối, cuống ngắn. Hoa mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, tràng hoa màu trắng, có mùi thơm. Quả hình trứng, 2 đầu nhọn có 5 cạnh dọc, vỏ màu nâu nhạt, hột cứng, thịt dày, vị chua chát.

Kha tử là cây ưa sáng khi trưởng thành, nhưng chịu bóng mát khi còn non. Kha tử mọc nhiều ở rừng thưa, rừng thứ sinh.

tim-hieu-qua-kha-tu-co-tac-dung-gi-voh

Quả kha tử tươi chưa thu hái (Nguồn: Internet)

Quả kha tử chín thu hái từ tháng 6 đến tháng 8, phơi nắng cho khô. Theo kinh nghiệm Viện Đông y Việt Nam, khi dùng kha tử thì rửa sạch, để ráo nước, sao sơ, lúc bốc thuốc thì giã dập, bỏ hạt rồi dùng.

Vỏ quả kha tử chứa các thành phần như:

  • Tanin (acid galic, acid digalic, acid cachougalic, flobaphen...) có tác dụng kháng sinh diệt khuẩn mạnh.
  • Polysaccharide, có tác dụng chống viêm họng, giảm ho nhanh như codein.
  • Alloy, có hoạt tính kháng virus.
  • Terchebin.
  • Chebutin. 

Nhân quả kha tử có chứa 3 – 7% chất dầu màu vàng trong suốt, thuộc loại dầu bán khô, trong thành phần chủ yếu là các acid palmatic, oleic và linoleic. Một hợp chất có hoạt tính chống ung thư là chebulanin cũng được chiết xuất từ quả kha tử.

2. Quả kha tử có tác dụng gì?

Quả kha tử có rất nhiều công dụng chữa bệnh khác nhau, được sử dụng rộng rãi trong các hộ gia đình Ấn Độ từ xa xưa. Y học Trung Quốc cũng xem kha tử như một phương thuốc chữa bệnh có sức mạnh “phi thường”. Tại miền Nam nước ta, nguồn dược liệu này rất phong phú, nó đã nhanh chóng trở thành vị thuốc độc đáo được dân gian truyền miệng.

Theo Đông y, kha tử có vị đắng, chua chát, tính ôn, vào kinh phế và đại trường. Tác dụng của quả kha tử gồm có: lợi yết, liễm phế, hạ khí, sáp trùng, chỉ tả. Theo đó, quả kha tử trị được bệnh tiêu chảy, lỵ kéo dài, hen suyễn, đau họng mất tiếng, di tinh, mồ hôi trộm. 

Ở Ấn Độ, kha tử dùng làm thuốc nhuận tràng, lợi tiêu hóa, bổ và phục hồi sức khỏe. Thịt quả kha tử dùng làm thuốc đánh răng chữa viêm loét lợi và chảy máu. Ngoài ra, kha tử phối hợp với các dược liệu khác còn giúp trị táo bón, rối loạn tiết niệu, bệnh tim…

Công dụng nổi bật của quả kha tử là khả năng trị viêm họng, khàn tiếng. Tác dụng này thậm chí còn nhanh hơn đáng kể so với bất kỳ loại thảo dược nào khác.

3. Tham khảo một số bài thuốc từ quả kha tử

3.1 Chữa viêm họng

Nhân dân vùng NePal thường nướng quả kha tử trên than hồng rồi nhai chậm để chữa viêm họng và có tác dụng long đờm.

3.2 Giảm hen suyễn

Người Ấn Độ thường tán bột quả kha tử và hút trong một tẩu thuốc lá để giảm hen suyễn.

tim-hieu-qua-kha-tu-co-tac-dung-gi-voh

Quả kha tử đã phơi khô (Nguồn: Internet)

3.3 Trị phế hư, ho, khàn tiếng

  • Bài 1: 12g kha tử, 12g cát cánh, 8g cam thảo. Đem các dược liệu này sắc lấy nước uống.
  • Bài 2: Dùng 4g kha tử, 4g đảng sâm. Sắc uống 3 lần trong ngày.
  • Bài 3: Dùng 8g kha tử, 8g hạt na rừng, 8g hạt tía tô, 8g hạt cải trắng, 8g sâm nam, 8g mạch môn. Sắc lấy nước uống. 

3.4 Chữa lỵ ra máu

Dùng 12 quả kha tử (6 quả để sống, 6 quả nướng bỏ hạt), sao vàng tán bột. Nếu lỵ ra máu, dùng nước sắc cam thảo để chiêu thuốc uống. Nếu lỵ ra đờm thì dùng nước sắc cam thảo chích (tẩm mật sao) để chiêu thuốc.

3.5 Chữa lỵ mạn tính

Dùng 6g kha tử, 12g đảng sâm, 12g bạch truật, 12g đương quy, 6g gừng nước, 6g nhục đậu khấu, 6g thạch lựu bì, 6g mộc hương, 6g cam thảo, 4g nhục quế. Sắc uống ngày 1 thang sẽ giúp chữa bệnh lỵ mạn tính.

3.6 Chữa ngộ độc thức ăn

Dùng 12g kha tử, 6g hoàng liên, 6g mộc hương. Tán thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 4 – 8g, chiêu với nước. Bài thuốc này giúp chữa ngộ độc thức ăn do nhiễm khuẩn hay tiêu chảy mạn tính, đau bụng có sốt.

3.7 Chữa tiêu chảy lâu ngày

Dùng quả kha tử vừa đủ, nướng bỏ hột, tán thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g, chiêu bằng nước cơm. 

Lưu ý: Quả kha tử chủ chữa các bệnh mạn tính nên khi ho có đờm, tả, lỵ mới mắc bệnh thì không nên dùng. Khi điều trị bệnh đường ruột, liều nhỏ sẽ giúp cầm tiêu chảy nhưng liều lớn có thể gây tiêu chảy.

Bình luận