Quyết định 62 đưa ra một số quy trình, thủ tục cấp lại thẻ BHYT mới khi thẻ BHYT bị mất, hỏng.
Thẻ BHYT được cấp lại trong các trường hợp: Người tham gia BHYT bị mất thẻ BHYT; thẻ BHYT bị lỗi do tổ chức BHYT hoặc cơ quan lập danh sách.
Để được cấp lại thẻ BHYT, người dân cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành;
- Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT.
Thủ tục cấp lại thẻ BHYT
- Người dân cần nộp hồ sơ cấp lại BHYT tế đến cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện; ghi tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT. Chờ ký (vào ô người nộp hồ sơ) trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo mẫu.
- Cán bộ bộ phận một cửa cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện sẽ kiểm tra, nhận tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT. Ghi Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo mẫu và ký.
- Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp lại thẻ BHYT, tổ chức BHYT sẽ cấp lại thẻ BHYT cho người tham gia.
Ngoài ra, hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai liên thông thủ tục cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, hình thức này chỉ áp dụng với người tham gia BHYT theo đơn vị sử dụng lao động.
Trình tự thực hiện thủ tục cấp lại thẻ BHYT khi bị mất thẻ BHYT
- Bước 1: Đơn vị sử dụng lao động thực hiện thủ tục về cấp lại thẻ BHYT thực hiện lập hồ sơ bằng phần mềm kê khai của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoặc của tổ chức I-VAN. Ký điện tử trên hồ sơ và gửi đến Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hoặc qua tổ chức I-VAN.
- Bước 2: Cá nhân nhận thẻ BHYT tại bộ phận một cửa của cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Đơn vị sử dụng lao động nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích và trả kịp thời cho người lao động.
Theo quy định, trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT, người bệnh vẫn được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi mức hưởng theo quy định.
Tuy nhiên, để được hưởng quyền lợi, người bệnh phải xuất trình cho cơ sở khám, chữa bệnh giấy hẹn của cơ quan bảo hiểm xã hội (giấy này được cấp khi nộp hồ sơ làm thủ tục cấp lại thẻ BHYT) và 1 loại giấy tờ tùy thân có dán ảnh như Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu.