Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Số ca mắc COVID-19 hôm nay 25/7 tại Việt Nam: 7.531 ca - 1.755 bệnh nhân khỏi bệnh

(VOH) - Từ 6h đến 19h ngày 25/7 có 3.552 ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong nước. Tổng số ca trong ngày lên 7.531 ca.

Tình hình dịch COVID-19 tối ngày 25/7

Ngày 25/7, tính từ 6h đến 19h có 3.552 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.227), Bình Dương (368), Tây Ninh (186), Bà Rịa - Vũng Tàu (126), Đồng Nai (119), Phú Yên (95), Khánh Hòa (90), Đồng Tháp (90), Bình Thuận (78), Cần Thơ (38), Bình Phước (20), Đắk Lắk (14), Bến Tre (12), Quảng Nam (11), Vĩnh Phúc (11), Trà Vinh (10), Kiên Giang (8 ), Ninh Thuận (7), Hậu Giang (7), Bình Định (6), Gia Lai (6), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (4), Bạc Liêu (3), Nghệ An (3), Thừa Thiên Huế (2), Đắk Nông (2), Bắc Ninh (2), Lâm Đồng (1), Hà Nam (1), Thanh Hoá (1) trong đó có 594 ca trong cộng đồng.

Như vậy tính tổng trong ngày 25/7 có 7.531 ca mắc mới, trong đó 06 ca nhập cảnh và 7.525 ca ghi nhận trong nước.

Có 08/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Có 9 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình.

Cập nhật dịch COVID-19 tối 25/7: 3.552 ca mắc mới, riêng TPHCM 2.227 ca 1
 

Về tình hình điều trị:

- 1.755 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 25/7.

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 19.342 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 154.397 xét nghiệm cho 590.982 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.262.258 mẫu cho 14.982.078 lượt người.

Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.535.741 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.163.388 liều, tiêm mũi 2 là 372.353 liều.

Việt Nam tiếp nhận thêm 3.000.060 liều vắc xin Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ

Chiều tối ngày 25/7/2021, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã dự lễ tiếp nhận lô vắc xin thứ hai gồm 1.500.100 liều trong số hơn 3.000.060 liều vắc xin lần này được phía Hoa Kỳ viện trợ thông qua cơ chế COVAX để sử dụng khẩn cấp cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia phòng COVID-19. Đây là lô vắc xin trong số 80 triệu liều mà Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cam kết cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trên toàn cầu. Tính đến nay, Hoa Kỳ đã viện trợ Việt Nam hơn 5 triệu liều vaccine Moderna trong tổng số 23 triệu liều dành cho 20 nước/vùng lãnh thổ châu Á.

Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao đánh giá cao sự chia sẻ, giúp đỡ kịp thời và vô cùng ý nghĩa của phía Hoa Kỳ thông qua cơ chế COVAX đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh và phức tạp tại một số tỉnh, thành ở Việt Nam và nguồn cung vắc xin toàn cầu tiếp tục khan hiếm trầm trọng. Đồng thời, phía Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn các quốc gia và các tổ chức quốc tế tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ vắc xin, trang thiết bị và thuốc để sớm kiểm soát đại dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Cùng tham dự buổi lễ tiếp nhận, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú LHQ tại VN, bà Lesley Miller, Quyền Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ Unicef tại Việt Nam và ông Christopher Klein, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ chia sẻ nhận định của phía Việt Nam về tình hình dịch bệnh, cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, khu vực cũng như thế giới tiếp cận vắc xin, đẩy lùi dịch COVID-19.

Đến nay, Việt Nam đã đón nhận hơn 11 triệu liều vaccine hỗ trợ từ các nước và các đối tác; trong đó có cơ chế COVAX.

TPHCM: Siết chặt biện pháp quản lý shipper, chuyển dần chiến lược sang điều trị

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có tổng cộng 60.425 trường hợp nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Từ 31/5 đến nay, thành phố đã trải qua 55 ngày giãn cách xã hội theo các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện nay vẫn diễn biến phức tạp.

Tại cuộc họp sáng 25/7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi nhận định thực tế ghi nhận người dân trong các khu phong toả vẫn chưa thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nguyên tắc này, dẫn tới ca F0 trong khu phong toả chiếm đa số, thậm chí có ngày lên đến 70% tổng số ca mắc mới.

Do đó, theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, một trong những biện pháp trọng tâm sắp tới của TP là đảm bảo về kỷ cương, giãn cách, triệt để cách ly người với người, nhà với nhà, người dân chỉ được ra ngoài khi cần cấp cứu y tế. Chính quyền sẽ cung ứng nhu yếu phẩm đến từng nhà; đồng thời giám sát, giảm thiểu tối đa việc giao lưu giữa người với người.

Trong những ngày tới, tinh thần của TPHCM là thực hiện triệt để Chỉ thị 16 và áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường tại các khu cách ly, khu phong tỏa. Người dân không di chuyển, tiếp xúc khi không thực sự cần thiết. Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh siết chặt biện pháp kiểm soát, TPHCM cũng chuyển dần chiến lược sang điều trị. Vì dù biến thể Delta lây lan nhanh nhưng theo thống kê cho thấy hơn 80% trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó, việc cách ly tại nhà (với ưu điểm là người bệnh được chăm sóc tốt về dinh dưỡng, tinh thần thoải mái) sẽ tốt hơn cho người bệnh, giúp giảm tải cho hệ thống y tế. Các nguồn lực, tổ chức khoa học cần được tập trung để điều phối công tác trên có hiệu quả, giảm tử vong tỉ lệ tử vong.

Trong thời gian tới, TP sẽ mở rộng tối đa năng lực tiếp nhận và điều trị ở các cơ sở y tế quận - huyện, TP Thủ Đức. Đồng thời, nâng cấp cơ sở vật chất, nhân lực, tăng cường chức năng điều trị cho các bệnh viện dã chiến; huy động thêm các bệnh viện tư nhân và triển khai thêm các cơ sở dã chiến để ứng phó trong trường hợp các ca nhiễm tăng cao; nâng cao công tác điều phối, thiết kế hệ thống phần mềm để khớp giữa nhu cầu người dân với hệ thống y tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, hiện nay, toàn bộ lực lượng y tế công lập và tư nhân trên địa bàn TP đều được huy động tham gia tất cả các hoạt động phòng, chống dịch. Sở Y tế đang xây dựng kế hoạch đề nghị các bác sĩ về hưu, lực lượng y tế tư nhân để hỗ trợ điều trị, tư vấn về sức khỏe cho người dân. Đây cũng là lực lượng quan trọng khi TP triển khai phương án cách ly F0 không triệu chứng tại nhà. Bên cạnh đó, TPHCM cũng mở một nhánh trong tổng đài 1022 để huy động chuyên gia y tế tham gia tư vấn sức khỏe cho người dân.

Với tình trạng một bộ phận người dân lợi dụng mặc áo shipper để ra ngoài, Thành phố sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động giao hàng của các shipper. Theo đó, tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng khi nghi ngờ sẽ yêu cầu người dân cung cấp app vận hành để chứng minh và sẽ xử lý các trường hợp "giả mạo shipper" hoặc vận chuyển các mặt hàng không thiết yếu. Vì vậy, trong giai đoạn này, shipper có quyền từ chối nếu khách hàng yêu cầu vận chuyển hàng không thiết yếu.