Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sốc sốt xuất huyết có thể gây nguy hiểm tính mạng

(VOH) - Đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, đề phòng muỗi đốt.

Sốt xuất huyết còn phức tạp

Tính từ đầu năm đến nay, Thành phố ghi nhận hơn 76.230 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 trong đó số tử vong do sốt xuất huyết là 29 trường hợp. Các bệnh viện chuyên khoa Nhi vẫn liên tiếp nhận những trường hợp rơi vào sốc sốt xuất huyết nguy kịch đến tính mạng.

Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố đã hỗ trợ Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ cứu sống trẻ sốc sốt huyết suy đa cơ quan nặng. Bệnh nhi 13 tuổi, nặng 42kg, ngụ tại thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, chuyển nặng vào ngày thứ 4 của bệnh.

Sau hội chẩn, ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố nhanh chóng đến Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ hỗ trợ lọc máu, thay huyết tương cho bệnh nhi cũng như hội ý điều trị hỗ trợ khác. Kết quả sau hơn 1 tháng điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần.

Tương tự tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Nhi đồng 1 - vẫn còn nhiều trường hợp sốc sốt xuất huyết nằm theo dõi điều trị, có trường hợp vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi rơi vào sốc sốt xuất huyết.

Chị Phan Thị Hồng Chinh, ngụ tỉnh Đồng Nai bàng hoàng cho biết, khi chẩn đoán sốt xuất huyết ở tuyến dưới, con chị vẫn hoàn toàn bình thường, tuy nhiên đến ngày thứ 4 của bệnh bé đột ngột rơi vào trạng thái sốc, chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa. Bé gái 10 tuổi con chị trong tình trạng nguy kịch, phải chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị. "Gia đình đưa vô cấp cứu ở Bệnh viện Nhi đồng 1 người ta truyền dịch, xét nghiệm và đưa vào Khoa Hồi sức tích cực chống độc để điều trị vì bệnh nặng, tràn dịch màng phổi, chỉ số cô đặc máu quá cao".

Làm gì khi mắc sốt xuất huyết

Khi có con mắc sốt xuất huyết, theo Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, phụ huynh cần phải theo dõi sát vào thời điểm từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, rất dễ chuyển sốc trong giai đoạn này: "Lưu ý thời điểm từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh. Đặc biệt hơn nữa khi người bệnh hết sốt vào ngày thứ 4, thứ 5 thì đó là nguy cơ vào sốc. Nếu trẻ vẫn đừ, nằm một chỗ, không chơi, ói ra máu, đi cầu phân đen, chảy máu cam/máu răng, tay chân lạnh, vã mồi hôi… là những dấu hiệu nặng, phải đưa ngay đến bệnh viện".

Sốc sốt xuất huyết ở trẻ em có thể gây nguy hiểm tính mạng 1
Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết chuyển nặng tại Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM - Ảnh: Nhất Hương

Là nơi chuyên tiếp nhận điều trị tuyến cuối cho sốt xuất huyết người lớn, bác sĩ Phan Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố cũng lưu ý người dân: "Những ngày đầu bệnh nhân sốt rất cao, thường chưa có biến chứng. Khi mà bệnh nhân nào có triệu chứng giảm sốt đột ngột nhưng mệt hơn, đau bụng, nôn ói, chảy máu răng hay mũi, (ở phụ nữ có chảy máu âm đạo) …đây là báo động diễn tiến nặng, cần nhập viện ngay".

Dấu hiệu nhận biết sốc sốt xuất huyết

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết–Huyết học – Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ ra các triệu chứng điển hình của sốc sốt xuất huyết: "Các dấu hiệu của hội chứng sốt xuất huyết Dengue bao gồm trẻ li bì, bứt rứt, tay chân lạnh, mạch nhanh, khó bắt được, chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương kẹp nhỏ hơn hoặc bằng 20mmHg, thậm chí khi bệnh nhân sốc nặng sẽ không đo được huyết áp. Khi vào sốc, bệnh nhân thường có các dấu hiệu khác đi kèm là đau bụng, ói mửa nhiều, gan sưng to, ấn vào vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải bệnh nhân sẽ thấy đau".

Để kịp thời theo dõi tiến độ của bệnh, xử trí kịp thời, nhất là khi gặp phải những trường hợp sốc sốt xuất huyết Dengue, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn khuyến cáo: "Nên nghi ngờ mắc sốt xuất huyết khi người bệnh có triệu chứng sốt cao đột ngột từ ngày thứ hai trở đi, người mệt mỏi, ăn uống kém, da xung huyết ửng đỏ, đau đầu, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, nôn ói, có những dấu hiệu xuất huyết tự nhiên như chảy máu mũi, chấm xuất huyết ngoài da. Các dấu hiệu này ngày càng nhiều trong những ngày tiếp sau đó nhất là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh".

Đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu, hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và ngăn ngừa muỗi đốt.

Về tình hình sốt xuất huyết thời điểm hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù tình hình bệnh sốt xuất huyết có xu hướng giảm, nhưng với đặc điểm thời tiết mưa nắng thất thường người dân vẫn cần cảnh giác cao với bệnh.

 

Bình luận