1. Són tiểu là gì?
ThS.BS Đặng Lê Dung Hạnh (Trưởng khoa khám bệnh – Bệnh viện Hùng Vương) cho biết, són tiểu là tình trạng người bệnh tiểu gấp hoặc nước tiểu rỉ ra khi người bệnh hắt hơi, ho, xách đồ nặng,…
Són tiểu thường được chia làm 2 dạng là tiểu gấp (tiểu ngay khi có cảm giác buồn tiểu) và són tiểu (chỉ cần hắt hơi, ho hoặc xách đồ nặng cũng khiến nước tiểu rỉ ra ngoài).
Són tiểu gặp nhiều ở phụ nữ hơn nam giới (Nguồn: Internet)
Chúng ta biết rằng, nước tiểu được thận lọc từ máu ra và dẫn vào bọng đái (bàng quang). Ngay cổ bọng đái có vùng cơ được điều khiển bởi ý thức của chúng ta. Khi áp lực làm bọng đái quá căng hoặc bản thân vùng cơ bị yếu sẽ dẫn đến tình trạng tiểu gấp hoặc són tiểu.
Són tiểu có thể gặp ở cả nam và nữ nhưng nữ giới là đối tượng dễ mắc bệnh nhất, đặc biệt là những phụ nữ sau sinh.
2. Nguyên nhân gây són tiểu
Nguyên nhân són tiểu có thể do lối sống hoặc bệnh tật. Cụ thể là do:
- Rối loạn thần kinh và tâm lý.
- Do bệnh nhiễm trùng tiểu gây kích thích bàng quang khiến người bệnh đi tiểu nhiều và đôi khi tiểu không tự chủ.
- Béo phì cũng có thể dẫn đến tình trạng són tiểu.
- Phụ nữ sinh đẻ nhiều lần: Vòng cơ bọng đái (bàng quang) của phụ nữ dễ bị yếu và dẫn đến tình trạng són tiểu hơn nam giới. Nguyên nhân là do vòng cơ này nằm trên sàn chậu để giữ các bộ phận sinh dục và bàng quang nằm đúng vị trí. Việc sinh đẻ nhiều lần sẽ làm tổn thương sàn chậu và từ đó vòng cơ bàng quang cũng sẽ yếu đi. Điều này cho thấy vì sao phụ nữ lại bị són tiểu nhiều hơn nam giới. Ngoài ra, những phụ nữ sinh khó cũng dễ làm tổn thương cổ tử cung và cổ bọng đái, gây ra tình trạng són tiểu.
- Phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh, suy giảm nội tiết tố sinh dục nữ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng són tiểu.
- Sau sinh, phụ nữ không kiêng cữ đúng cách và lao động quá sớm cũng dễ bị són tiểu.
3. Chẩn đoán són tiểu bằng cách nào?
Theo bác sĩ Dung Hạnh, thông thường có 2 cách để chẩn đoán tình trạng són tiểu là:
- Thăm hỏi bệnh nhân về triệu chứng như cảm giác chằng nặng bên dưới, mắc tiểu không kiểm soát, nước tiểu chảy ra khi ho, xách đồ nặng,…
- Thực hiện một vài thử nghiệm như kiểm tra độ gập của đường niệu đạo và cổ bàng quang xem có giữ đúng trục sinh lý không (thử nghiệm này khá đơn giản và không gây đau) và xét nghiệm bằng máy móc để kiểm tra.
4. Điều trị són tiểu bằng cách nào?
Theo bác sĩ Hạnh, để điều trị són tiểu cần dựa vào nguyên nhân và dạng són tiểu. Hơn nữa, điều trị khó hay không còn phụ thuộc vào sự kiên nhẫn của người bệnh.
Trên thực tế, phương pháp điều trị són tiểu hiệu quả và đơn giản nhất là tập luyện để cải thiện vòng cơ bàng quang. Tuy nhiên, quá trình tập luyện đòi hỏi thực hiện lâu dài mà người bệnh thường thiếu kiên nhẫn nên cho rằng són tiểu rất khó điều trị.
Thông thường, có 2 phương pháp cơ bản để điều trị són tiểu là:
4.1 Điều trị nội khoa
Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kết hợp với tập luyện. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân tập vận động để cho cơ bàng quang săn chắc, cơ sàn chậu khỏe mạnh hơn.
Để tập luyện tại nhà người bệnh có thể tập theo các phương pháp sau:
Tập nín tiểu để cải thiện tình trạng són tiểu (Nguồn: Internet)
- Tập nín tiểu, khi vừa có cảm giác mắc tiểu hãy tập nín tiểu để siết chặt cơ bàng quang. Phương pháp này cũng được khuyến cáo với những phụ nữ sau sinh để ngừa són tiểu.
- Tập bài tập Kegel: Ở tư thế bất kỳ, thực hiện động tác như nín tiểu, co cơ hết mức trong 5 giây rồi thả ra từ từ. Khi đã quen với động tác này thì có thể tăng thời gian co cơ. Thời gian đầu, người bệnh có thể tập ở tư thế ngồi hoặc nằm, sau đó thì tập ở bất kỳ tư thế nào.
4.2 Phẫu thuật
Phẫu thuật thường là phương án cuối cùng nếu các phương pháp nội khoa không mang lại hiệu quả. Ngoài ra, phẫu thuật còn được chỉ định trong những trường hợp kèm theo tình trạng sa sinh dục.
5. Làm sao để phòng tránh són tiểu?
Theo bác sĩ Hạnh, có thể phòng ngừa tình trạng són tiểu bằng cách:
- Cải thiện cân nặng vì béo phì hoặc thay đổi trọng lượng đột ngột cũng dễ dẫn đến tình trạng cơ vùng bàng quang bị yếu ớt.
- Nếu bị nhiễm trùng tiểu thì cố gắng điều trị dứt điểm.
- Nhịn tiểu có thể giúp cải thiện són tiểu nhưng không nên nhịn tiểu quá mức. Ngoài ra, bạn có thể tập thói quen đi tiểu đúng giờ, uống nước đầy đủ và đến giờ thì đi tiểu.
- Đừng đợi đến lúc bị són tiểu mới tập Kegel, ngay từ bây giờ bạn vẫn có thể tập bài tập này để phòng tránh són tiểu sau này.
Lời khuyên: Nếu có triệu chứng són tiểu thì đừng ngần ngại mà hãy đi khám và điều trị sớm. Bởi vì điều trị ở giai đoạn đầu thường đơn giản và hiệu quả hơn.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh tại audio bên dưới: