Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Sốt xuất huyết - dịch bệnh rất nguy hiểm, không thể lơ là

(VOH) - Một vấn đề khó giải quyết trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của TPHCM hiện nay là các công trình xây dựng - nơi nguy cơ phát sinh lăng quăng, muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết.

Và thực tế qua công tác kiểm tra, phát hiện nhiều công trình có các hầm hào, mương nước chứa lăng quăng. Tuy nhiên, việc kiểm tra các công trình này gặp không ít khó khăn khi thường xuyên bị từ chối, khó tiếp xúc.

Bên cạnh đó, một số quận, huyện lại chưa quyết liệt, mạnh tay trong xử phạt với những cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, TP.HCM đã có hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết. (Ảnh: TNO)

*VOH: Thưa bác sĩ, hiện nay sốt xuất huyết như chúng ta đã biết thì tình hình cũng rất là căng thẳng khi số ca mắc và số ca tử vong đang trên chiều hướng gia tăng. Cũng được biết trong công tác phòng chống dịch, ngành y tế mình cũng đã rất nỗ lực, nhưng hiện tại thì theo ông những khó khăn nào ảnh hưởng đến tính hiệu quả của công tác phòng chống dịch hiện nay của chúng ta?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng: Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại TPHCM nhiều năm nay cũng như các tỉnh phía Nam. Cho đến nay thì sốt xuất huyết vẫn là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh. Phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là chúng ta ngăn ngừa bằng cách diệt lăng quăng và diệt muỗi. Ngành y tế cũng truyền thông khẩu hiệu là “Không có lăng quăng thì không có sốt xuất huyết” nghe rất là đơn giản nhưng thực ra làm thế nào để không có lăng quăng thì đó mới là vấn đề.

Nhiều năm qua, thành phố chúng ta cũng triển khai nhiều biện pháp để làm sao khống chế được sốt xuất huyết, thực ra chúng tôi nhận định việc khó khăn nhất của phòng chống sốt xuất huyết hiện nay là làm sao huy động được sự tham gia của mọi người dân. Bởi vì nếu mà chỉ có việc truyền thông, vận động rồi ra quân, tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi mà không có sự tham gia của mọi người, mọi nhà thì những ổ lăng quăng cũng không được triệt tiêu một cách triệt để. Từ đó cũng xuất hiện ra những đàn muỗi và với tình hình số ca mắc hiện nay thì mầm bệnh rất là nhiều, như vậy thì nguy cơ lây lan cho những người khác sẽ rất lớn.

Chuyện thứ hai, ngoài khu vực nhà dân thì ở thành phố chúng ta cũng tồn tại rất nhiều khu vực có nguy cơ có nhiều vật chứa chẳng hạn như các công trình xây dựng, các khu đất trống xen cài và nhiều hộ chăn nuôi, cơ sở ve chai… những nơi này thường tồn tại rất nhiều vật chứa, phế thải chưa được dẹp bỏ một cách triệt để. Mục tiêu của ngành y tế phối hợp với các huyện là làm sao mà chúng ta kêu gọi sự đồng lòng, hợp tác của mọi người, mọi nhà kể cả các cơ quan, công sở chứ không chỉ là nhân dân để chúng ta thường xuyên kiểm tra, dẹp bỏ các vật chứa phế thải và đối với các dụng cụ khác như là bình bông chẳng hạn thì chúng ta phải thường xuyên thay nước để cho chúng ta triệt được sự sinh sản của lăng quăng. Một lý do khác nữa là hiện nay, rất nhiều công việc ở tuyến y tế cơ sở, của chính quyền cũng như đối với ngành y tế thì các anh em phải thực hiện rất nhiều việc chẳng hạn như là tiêm chủng, phòng chống dịch bệnh rồi truyền thông… thành ra điều này cũng góp phần làm cho công tác phòng chống dịch cũng có những khó khăn nhất định.

*VOH: Được biết tại tuyến y tế cơ sở nhất là trạm y tế phường, xã khi có ca bệnh báo về thì lực lượng tại chỗ cũng như là tình nguyện viên sẽ tiến hành phun khử khuẩn cũng như phun thuốc tại những nơi có phát sinh ca bệnh, nhưng mà thực tế có sự phản ánh tại các cuộc họp giao ban y tế là nhiều nhà dân thì từ chối, đóng cửa thậm chí không hợp tác cho lực lượng này vào phun thuốc. Điều này có gây ảnh hưởng để chúng ta có thể triệt tiêu được ổ dịch đó hay không?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng: Một trong những vấn đề khó khăn hiện nay là khi mà xử lý ổ dịch thì trước đó, chúng ta sẽ vận động khu vực đó mọi người sẽ diệt lăng quăng tức là dẹp bỏ các vật chứa có nước, có lăng quăng, sau đó mới tiến hành phun thuốc. Và để phun thuốc có hiệu quả thì chính quyền sẽ đi thông báo trước cho người dân, các cơ quan, công sở trong khu vực phun thuốc trước một ngày để người dân hợp tác bằng cách mở cửa cho lực lượng phun thuốc vào phun hóa chất ở các hộ này. Tuy nhiên vẫn có các trường hợp không liên hệ được với chủ nhà thành ra không mở cửa được. Còn một số trường hợp khác là một bộ phận người dân cũng thiếu sự hợp tác, thấy chuẩn bị phun hóa chất lại đóng cửa lại. Điều này cũng làm cho hiệu quả phun hóa chất xử lý ổ dịch gặp hạn chế.

*VOH: Chúng ta nhớ đến năm 2015, khi thành phố triển khai quyết định xử phạt trong vi phạm lĩnh vực phòng chống dịch thì nó tạo được tính hiệu ứng rất lớn. Trong mùa dịch sốt xuất huyết năm nay thì tỷ lệ này theo chúng tôi được biết một số quận, huyện cũng còn khá thấp. Ở góc độ của Sở Y tế thì ông đánh giá, nhận xét gì về tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống dịch trong mùa sốt xuất huyết năm nay?

- Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng: Ngoài việc truyền thông vận động người dân thực hiện dẹp bỏ các vật chứa có lăng quăng để phòng chống sốt xuất huyết. Từ năm 2015, ngành y tế cũng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện để tập huấn cho các đơn vị liên quan để chúng ta triển khai thực hiện Nghị định 176 là xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, những năm đó chúng ta đã làm khá tốt. Tuy nhiên đến năm 2020-2021, tình hình dịch bệnh Covid rất phức tạp. Đồng thời, 2 năm này thì dịch sốt xuất huyết cũng thấp, do đó chúng ta không có xử phạt. Và đến đầu năm nay, tình hình dịch sốt xuất huyết có những dấu hiệu bùng phát như vậy thì chúng tôi cũng đã đề nghị với Ủy ban nhân dân các quận, huyện tập huấn lại cho tất cả các đơn vị. Đặc biệt là tuyến phường xã, những nơi có thẩm quyền để xử phạt theo các vi phạm trong lĩnh vực y tế mà hiện nay đó là Nghị định 117. Ngoài ra, bản thân ngành y tế cũng đã có tập huấn cho các đơn vị trực thuộc để cùng phối hợp với các đơn vị liên quan ở địa phương để triển khai.

Chúng tôi cho rằng, bên cạnh việc truyền thông vận động người dân, cần phải có biện pháp chế tài để xử lý những trường hợp mặc dù đã biết, đã được vận động rồi nhưng mà vẫn chưa thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế để phòng chống sốt xuất huyết. Cho đến nay phải nói rằng các quận, huyện cũng triển khai khá tốt. Sau khi tập huấn rồi, theo sốt liệu chúng tôi có được thì khoảng 155 quyết định xử phạt đã được ban hành và hầu hết đã được thực hiện. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là bên cạnh một số quận, huyện rất quyết liệt trong việc xử lý này thì vẫn còn một số quận, huyện mặc dù số ca mắc cao nhưng số quyết định xử phạt những trường hợp vi phạm các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết vẫn còn thấp thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện lưu ý làm sao mà chúng ta bên cạnh việc truyền thông, vận động người dân thì phải có các biện pháp chế tài. Và thông qua những biện pháp chế tài này thì cũng tiếp tục để chuyển tải thông điệp rằng là không thực hiện những biện pháp phòng chống sốt xuất huyết không chỉ là vận động đâu mà còn sẽ bị xử phạt.

*VOH: Cảm ơn bác sĩ!