Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Test nhanh COVID-19: Màu sắc đậm-nhạt các vạch nói lên điều gì?

(VOH) – Thời gian gần đây số ca mắc COVID-19 tăng cao, nhất là với biến thể Omicron, nhiều người tự test nhanh cho kết quả 2 vạch với nét vạch nhạt màu thì cho rằng là bị nhiễm nhẹ, nồng độ virut ít?

Hiện nay, theo số liệu công bố chính thức từ Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 tăng cao với hàng trăm ngàn ca mỗi ngày trong đó nhiều người tự xác định mắc COVID-19 bằng cách tự test nhanh tại nhà. Sau khi lấy mẫu và test qua bảng mẫu thử nhiều người cho rằng nếu mẫu test hiện lên hai vạch màu đậm là nhiễm COVID-19 có nồng độ cao và ngược lại nếu màu nhạt thì có nồng độ virut nhiễm ở mức thấp điều này có chính xác không?

Test nhanh COVID-19: Vạch đậm là bị nặng, vạch nhạt màu là bị nhẹ?
Chúng ta không cần thiết phải lạm dụng quá về các vấn đề xét nghiệm. Ảnh minh họa

Có người sau khi đã xác định mắc COVID-19 đã test thường xuyên mỗi ngày để xem đã hết chưa, nếu vạch thử hiện lên nhạt dần thì cho là đã có nồng độ virut ít hơn và sắp hết bệnh. Khi mẫu test chỉ hiện một vạch là đã hết bệnh?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xét nghiệm nhanh COVID-19 cho hiển thị vạch T mờ hay đậm không quan trọng, không nên dựa vào test nhanh để phán đoán diễn biến của bệnh.

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất, trên xét nghiệm nhanh có hai vạch là vạch C và vạch T. C là chữ viết tắt của Control, có nghĩa là vạch test chuẩn của nhà sản xuất. Nếu vạch C không hiện tức là kit xét nghiệm bị lỗi, không sử dụng được, kết quả sai. Còn vạch T là từ viết tắt của Test, hiển thị khi có ghi nhận virus COVID-19.

Theo một chuyên gia khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 cho biết việc test nhanh cho kết quả vạch mờ hay đậm phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có độ nhạy của kit xét nghiệm.

"Nhiều kit xét nghiệm có độ nhạy rất cao, dù tải lượng virus thấp nhưng cho lên vạch rất rõ. Cùng với mẫu dịch đó, với loại kit xét nghiệm khác sẽ cho vạch mờ hơn. Thêm vào đó, việc lấy mẫu test có đúng kỹ thuật hay không cũng quyết định đến kết quả test nhanh.", Chuyên gia này cho biết.

Với tốc độ lây nhiễm bệnh hiện nay có thể nhận định biến thể chủ đạo là Omicron. Với biến thể này, trên 95% các triệu chứng lâm sàng gần như không có và nếu có sẽ rất nhẹ. Như vậy, về cơ bản, bệnh nhân thường bệnh rất nhẹ, rất ít khi có những trường hợp nặng. Do đó, chúng ta không cần thiết phải lạm dụng quá về các vấn đề xét nghiệm. Việc xét nghiệm hàng ngày để xem xem vạch mờ hay đậm, hay lôi cả nhà ra test là sự lãng phí không cần thiết.

Không dựa vạch đậm hay vạch mờ để nhận biết bệnh nặng hay nhẹ. Ảnh minh họa
Không dựa vạch đậm hay vạch nhạt để  cho rằng bệnh nặng hay nhẹ. Ảnh minh họa

Nguyên tắc của xét nghiệm nhanh COVID-19 là xét nghiệm kháng nguyên tìm kháng thể.

Trên bề mặt của kit xét nghiệm nhanh là kháng thể, còn dịch tị hầu là kháng nguyên. Khi kháng nguyên nhận diện được kháng thể sẽ có chất để hiển thị màu. Đối với trường hợp nhiễm COVID-19 sẽ cho hiển thị 2 vạch - tức kết quả dương tính.

Các chuyên gia còn lưu ý khi xét nghiệm nhanh hiển thị vạch T mờ thì có thể rơi vào trường hợp dương tính giả.

Một bác sĩ chuyên khoa xét nghiệm vi sinh cho biết kit xét nghiệm hiển thị cả 2 vạch tại chữ C và T có ý nghĩa dương tính với COVID-19. Mỗi kit xét nghiệm đều có gắn chất khử, khi chất khử gặp mẫu bệnh phẩm chứa virus thì sẽ bị oxy hóa và hiển thị màu. Tùy theo mức độ phản ứng oxy hóa mạnh, nhẹ và điều kiện môi trường... sẽ ảnh hưởng đến độ đậm nhạt tại vạch T.

Do đó, để biết được nồng độ virus thì phải làm xét nghiệm RT-PCR.

Theo một chuyên gia khuyến cáo, khi xét nghiệm nhanh, kết quả hiển thị trên xét nghiệm chỉ có giá trị trong 15-30 phút. nhiều người test nhanh tại nhà chưa đúng kỹ thuật, chưa lấy đủ dịch hoặc lấy sai cách khiến kết quả sai lệch.

Sau đó, nếu nghi ngờ nhiễm bệnh có thể xét nghiệm lại bằng 2 loại xét nghiệm khác nhau để khẳng định kết quả chính xác.

Phần lớn mọi người sẽ xét nghiệm test nhanh ra vạch T mờ vào khoảng ngày thứ 10 kể từ khi phát hiện triệu chứng. Tuy nhiên, đối với người sức khoẻ yếu, miễn dịch suy yếu thì thời gian dương tính sẽ kéo dài hơn.

Thời gian chuyển từ âm tính sang dương tính bằng kit test nhanh có thể tùy thuộc từng người, mặc dù nhiễm virus vào cùng một thời điểm. Thay bằng việc quan tâm tới kết quả test hàng ngày thì hãy cách ly và chăm sóc lẫn nhau để hết các triệu chứng.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) vạch test mờ hay đậm không quan trọng, không có giá trị tiên lượng bệnh. Vì thế, mọi người không nên dựa vào đó để nói nếu vạch đậm nghĩa là bệnh còn nặng, vạch mờ là bệnh nhẹ. Điều quan trọng là sức khỏe của chúng ta ổn.