Cách đây 2 năm, bệnh nhân nữ này thường xuyên ói mửa, đi tiểu nhiều, thỉnh thoảng chân bị sưng phù, không đi được.
Sau ghép thận, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt. Ảnh: BVCC
Sau khi đi khám tổng quát tại Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố, bất ngờ phát hiện mình bị suy thận giai đoạn cuối. Các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân sử dụng thuốc và chạy thận để duy trì sự sống. Theo các bác sĩ, ghép thận là phương pháp tốt nhất.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ cho biết mẹ bệnh nhân có các chỉ số miễn dịch học và chỉ số sinh hóa phù hợp, có thể hiến thận.
Với sự chỉ đạo, điều phối của Ban Giám đốc và sự nỗ lực của ê-kíp ghép thận của bệnh viện, sau phẫu thuật sức khỏe của 2 mẹ con đều ổn định.
Sau ca ghép 5 ngày, người mẹ được xuất viện trở về quê nhà với chỉ số đánh giá chức năng thận ở mức bình thường, còn bệnh nhân vẫn được tiếp tục theo dõi tại phòng cách ly tuyệt đối.
Tại đây, chị được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc đặc biệt, được sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép. 5 ngày sau, bệnh nhân được chuyển sang phòng cách ly tương đối tại Khoa Tiết niệu với tình trạng sức khỏe ngày càng ổn định.
Gần 2 tuần sau ghép, bệnh nhân nữ được Hội đồng Ghép thận Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố cho xuất viện trong sự vui mừng, xúc động của người thân và các y bác sĩ.
Giáo sư Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố chia sẻ, ghép tạng là một hoạt động có tính chuyên môn và nhân văn cao nhất. Thành công của những ca ghép như thế này không chỉ mang lại niềm vui cho người bệnh, người nhà người bệnh mà còn là động lực cho đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện tiếp tục nỗ lực, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, hướng đến việc thành lập Trung tâm Ghép tạng trong khoảng 2 – 3 năm tới.