Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

TPHCM: Hơn 900 nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được tiêm vaccine ngừa Covid-19

(VOH) - Hơn 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM được tiêm vaccine AstraZeneca đợt đầu vào ngày 8/3 mà Việt Nam mới nhập về hôm 24/2 vừa qua.

Bộ Y tế ngày 6/3 cho biết, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM sẽ là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam được ưu tiên tiêm vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19.

tphcm-hon-900-nhan-vien-y-te-benh-vien-benh-nhiet-doi-duoc-tiem-vaccine-ngua-covid-19-voh.com.vn-anh1
vaccine tại sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng 24/2/2021. Ảnh: SGGP

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM là 1 trong 21 cơ sở y tế trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19 được ưu tiên tiêm vaccine đợt này. Đây là nơi được xác định có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, kế đến sẽ tiêm đồng loạt cho các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch tại Hải Dương, Hà Nội, TPHCM...

Cụ thể, có hơn 900 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (7 đối tượng) sẽ được tiêm đợt đầu, bao gồm: đội ngũ y, bác sĩ Khoa nhiễm D, Khoa cấp cứu, Khoa khám bệnh, Phòng công tác xã hội, Phòng xét nghiệm sinh học phân tử, Phòng hồi sức tích cực chống độc người lớn và các trưởng, phó phòng chức năng cùng Ban giám đốc bệnh viện.

Thời gian tiêm được chia theo 2 ca, buổi sáng và buổi chiều ngày 8/3.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM vốn là nơi thường xuyên thực hiện việc tiêm ngừa cho người dân, do đó việc tổ chức tiêm vắc xin tại đây rất phù hợp khi nhân sự có kinh nghiệm; có các phác đồ chống sốc cùng các trang thiết bị để hồi sức. Trước khi tiêm vắc xin, ban giám đốc bệnh viện đã có các "kịch bản", tình huống và có thông tin đầy đủ cho nhân viên.

Trước đó, ngày 5/3, Sở Y tế TPHCM đã gửi Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, Viện Pasteur TPHCM kết quả rà soát các trường hợp tiêm chủng vaccine Covid-19 trên địa bàn thành phố.

TPHCM hiện không có ổ dịch trong cộng đồng nên không xác định địa bàn ưu tiên tiêm chủng.

Vì vậy, TPHCM xác định có 9 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 trong đợt đầu tiên này với 44.175 người, gồm:

- 285 nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19 ở các bệnh viện;

- 388 thành viên tổ truy vết cơ động;

- 1.362 nhân viên tham gia điều tra dịch tễ;

- 1.642 cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang và công an nhân dân;

- 38.000 người tổ Covid-19 cộng đồng;

- 1.710 cán bộ lấy mẫu xét nghiệm;

- 513 nhân viên tại các khu cách ly tập trung;

- 275 cán bộ trực tiếp tiêm chủng vaccine Covid-19.

Cũng vào sáng nay 6/3, tại cuộc tập huấn công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho nhân viên y tế tại 63 tỉnh thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vắc xin nhập về sẽ ưu tiên tiêm cho Hải Dương đầu tiên ngày 8/3 vì đây là địa phương có diễn biến dịch phức tạp với lượng bệnh nhân nhiều nhất cả nước hiện nay.

Theo kế hoạch viêm vaccine Covid-19 giai đoạn 2021-2022 được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành ngày 6/3, 13 địa phương đang có dịch sẽ được tiêm vaccine Covid-19 đợt đầu tiên trong tháng 3 và tháng 4/2021, gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên, Hà Giang.

Trước đó, vào trưa 24/2, lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên đã có mặt tại Việt Nam. Đây là vaccine của hãng dược phẩm nổi tiếng toàn cầu AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất.

Lô vaccine được đưa về Việt Nam theo hợp đồng giữa Hệ thống tiêm chủng VNVC và Tập đoàn AstraZeneca đã ký từ tháng 11/2020. Theo đó, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca trong năm 2021. Số vaccine này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều sẽ được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca.