Chờ...

Trẻ đổ mồ hôi trộm có phải do thiếu canxi?

(VOH) - Bé gần 4 tuổi, tối ngủ phòng máy lạnh nhưng vẫn đổ mồ hôi ở sau gáy, có phải là do thiếu canxi?

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm-trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM tư vấn.

Đọc giả có thể nghe phần tư vấn hoặc xem chi tiết.

Chỉ với triệu chứng đổ mồ hôi sau gáy chưa thể khẳng định nguyên nhân do trẻ bị thiếu canxi. Để chẩn đoán đúng cần phải có sự thăm khám của các bác sĩ chuyên môn.

Tuy nhiên, đa số trẻ sơ sinh, vốn được cung cấp đầy đủ canxi và dưỡng chất thông qua sữa mẹ vì thế không có nhiều trường hợp trẻ bị thiếu chất canxi thật sự. Hơn nữa với các trường hợp thường được gọi là "thiếu canxi" này cũng chỉ là thiếu vitamin D (do trẻ ít được phơi nắng đủ thời lượng).

Với riêng trường hợp của bé, do gần 4 tuổi nên khó có thể khẳng định cháu thiếu canxi.

Phụ huynh cần kiểm tra lại cân nặng của bé có vượt chuẩn (tức bị thừa cân, béo phì) không?

Với các bé thừa cân sẽ có biểu hiện của chứng rối loạn thần kinh thực vật cụ thể như thân nhiệt cao do gia tăng thoát nhiệt mạnh hơn so với trẻ bình thường, một số trẻ có thêm hiện tượng đổ mồ hôi tay, chân...

Để biết trẻ có bị thiếu canxi hay không, cha mẹ có thể kiểm tra các biểu hiện sau:

- Trẻ chậm tăng chiều cao;

- Thường giật mình trong giấc ngủ;

- Tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa thường xuyên;

- Với trường hợp thiếu canxi nặng, trẻ có thể bị biến dạng xương: các đầu xương ở cổ tay hoặc xương sườn to ra, thậm chí có trẻ bị chân vòng kiềng, tay cán vá...

Các trường hợp này cần nhanh chóng điều trị chuyên khoa cho bé.