Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Trẻ em nhìn chằm chằm vào điện thoại di động quá lâu có nguy cơ bị mù

VOH - Các bác sĩ phẫu thuật mắt cảnh báo rằng, số lượng trẻ em có nguy cơ bị mù ngày càng tăng do dành quá nhiều thời gian nhìn chằm chằm vào điện thoại di động.

Theo Dailymail, số lượng trẻ em ở Anh từ 4 tuổi trở lên phải đeo kính áp tròng ngày càng gia tăng và có nhiều người ở lứa tuổi thanh thiếu niên bị cận thị nặng.

Các chuyên gia cho rằng, sự gia tăng đáng lo ngại trên là do trẻ em nhìn chằm chằm vào điện thoại di động ở cự ly gần trong khi không dành đủ thời gian để nhìn khoảng cách xa hơn ở ngoài trời vào ban ngày.

Tiến sĩ John Bolger, bác sĩ tư vấn nhãn khoa và là giám đốc một phòng khám mắt tư nhân ở Bắc London cho biết, ông quan ngại sâu sắc trước sự gia tăng trẻ em mắc chứng cận thị và mô tả đây là một 'đại dịch'.

Ông nói với tờ Mail on Sunday, ngày càng có nhiều trẻ cận thị đến phòng khám. Số lượng đang tăng lên và không có dấu hiệu chậm lại. Cận thị không chỉ là phải đeo kính, người ta có thể bị mù do cận thị. Đây là một mối đe dọa nghiêm trọng.

cận thị
Trẻ em có nguy cơ bị mù ngày càng tăng do dành quá nhiều thời gian nhìn chằm chằm vào điện thoại di động - Ảnh: Shutterstock

Xem thêm: Cách giảm tác hại của ánh sáng xanh lên đôi mắt

Bác sĩ giải thích rằng, việc nhìn vào màn hình trong thời gian dài có thể dẫn đến sự kéo dài của nhãn cầu - và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm 'đại dịch cận thị'.

Không dành đủ thời gian bên ngoài cũng cản trở trẻ tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, điều này rất cần thiết để điều chỉnh sự phát triển của nhãn cầu và giảm nguy cơ cận thị.

Ông nói, từng có những bệnh nhân nhỏ tuổi không bước ra khỏi nhà trong 4-5 ngày vào thời kỳ “phong tỏa” và ông tin rằng, nhiều trong số những bệnh nhân của mình sẽ không bị cận thị nếu không gặp tình huống này.

Trong số các bệnh nhân của ông, có những trẻ từ 4 đến 5 tuổi đã phải đeo kính áp tròng và nhiều trẻ có đơn thuốc “dài dằng dặc”. Điều này gây ra những thách thức rất lớn đối với cuộc sống của các em.

Tiến sĩ Bolger cho biết, một số bệnh nhân trẻ tuổi khi ngủ đeo kính áp tròng đặc biệt có thể thay đổi hình dạng giác mạc. Nó làm chậm sự tiến triển của cận thị và cho phép các em nhìn thấy bình thường khi thức dậy.

Nghiên cứu cho thấy, cận thị đã tăng gấp đôi trong 50 năm qua ở Anh và trẻ em đang bị cận thị ở độ tuổi trẻ hơn, với hơn một phần tư số trẻ từ 15 đến 16 tuổi hiện mắc bệnh cận thị.

Tiến sĩ Irfan Jeeva, bác sĩ tư vấn nhãn khoa tại NHS Trust của Bệnh viện Mid Yorkshire nói rằng, trong những năm gần đây, ông nhận thấy ngày càng nhiều trẻ em cần đeo kính để điều chỉnh thị lực.

Tiến sĩ Irfan Jeeva nhận định: “Chắc chắn là do thời gian sử dụng thiết bị quá nhiều. Trẻ em đang căng mắt để đọc gần và dành rất ít thời gian ở bên ngoài. Tôi có những bệnh nhân trẻ bị cận thị trầm trọng đến nỗi cuộc sống của chúng rất khó khăn”.

Có một thực tế rằng, những nơi có tình trạng cận thị không gia tăng lại là những cộng đồng nông nghiệp, nơi trẻ em dành cả ngày ở ngoài trời, liên tục điều chỉnh mắt xa và gần. Do đó, cha mẹ cần có sự cân bằng hợp lý và đảm bảo con cái mình sử dụng màn hình để giải trí ít nhất có thể và nhận được nhiều ánh sáng ban ngày ngoài trời nhất có thể.