Nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch và giảm tỉ lệ tử vong do bệnh bạch hầu, uốn ván, TPHCM triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắcxin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho 120.000 trẻ 7 tuổi trên địa bàn thành phố.
Phụ huynh đưa trẻ đi chích ngừa tại Viện Pasteur. Ảnh: SGGP
Năm nay, TPHCM triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắcxin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho khoảng 120.000 trẻ 7 tuổi, đạt tỉ lệ ≥ 90% - Ảnh: TRUNG TÂN
Sở Y tế TPHCM vừa gửi văn bản đến các sở, ban, ngành về kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắcxin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 7 tuổi ở thành phố năm 2020.
Sở Y tế cho hay, giai đoạn từ năm 2015-2018, TPHCM không ghi nhận trường hợp mắc bệnh bạch hầu, tuy nhiên trong hai năm 2019 và 2020 đã ghi nhận 2 trường hợp mắc. Qua điều tra cho thấy 2 trường hợp này đều chưa tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu trước đó.
Tương tự, bệnh uốn ván sơ sinh cũng ghi nhận khoảng 30 trường hợp/năm mặc dù thành phố cơ bản đã loại trừ bệnh này nhiều năm qua.
Theo Sở Y tế, việc triển khai tiêm 1 mũi vắcxin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) áp dụng cho tất cả học sinh lớp 2 trong trường học (không kể lứa tuổi) và trẻ 7 tuổi (sinh từ 1-1-2013 đến 31-12-2013) không đi học tại 24 quận, huyện. Thời gian tiêm từ tháng 8 đến tháng 12-2020.
Sở Y tế đặt mục tiêu tỉ lệ trẻ 7 tuổi tại cộng đồng và trẻ học lớp 2 trên địa bàn thành phố được tiêm vắcxin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) phải đạt ≥ 90%, tương đương 120.000 trẻ (dựa vào số liệu trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia).
Đồng thời yêu cầu các nơi thực hiện tiêm vắcxin cho trẻ phải đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo nghị định của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng như: bảo quản vắcxin và dung môi trong thiết bị dây chuyền lạnh, khám sàng lọc trước tiêm chủng, theo dõi sau tiêm chủng...
* Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn bạch hầu gây nên. Đặc điểm lâm sàng của bệnh là tổn thương chủ yếu ở vùng mũi, họng, thanh quản… với những giả mạc kèm theo những biểu hiện nhiễm độc nặng (thường là nhiễm độc thần kinh và viêm cơ tim) do ngoại độc tố bạch hầu.
Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp (ho, hắt hơi, nói chuyện…) thông qua dịch tiết từ mũi, họng của bệnh nhân; đôi khi có thể lây gián tiếp qua đồ dùng, quần áo, thức ăn… bị ô nhiễm mầm bệnh.
Đối tượng mắc đa số là trẻ dưới 15 tuổi nhất là trẻ từ 1-9 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
* Uốn ván cũng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do trực khuẩn uốn ván gây nên và ngoại độc tố hướng thần kinh của nó. Bệnh lây qua da và niêm mạc bị tổn thương.
Đặc điểm lâm sàng là một trạng thái co cứng cơ liên tục và có những cơn giật cứng. Khởi đầu là những cơn co cứng cơ nhai, sau lan ra các cơ mặt, thân mình và tứ chi.
Nguồn truyền bệnh uốn ván là đất và các đồ vật bị nhiễm bẩn có nha bào uốn ván xâm nhập vào vết thương kín, vết thương sâu và các vết thương dập nát có môi trường kỵ khí. Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi thường bị bệnh nặng. Tỷ lệ tử vong cao, khoảng từ 30-50%.
Hiên nay, tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván có hiệu quả nhất.
N.T (tổng hợp)