Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Vắcxin là cách tốt nhất để phòng bệnh ho gà cho trẻ

(VOH) - Cục Y tế dự phòng cho biết, do thời tiết se lạnh, độ ẩm cao nên mùa xuân là mùa bùng phát mạnh các bệnh hô hấp, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, trong đó có bệnh ho gà. Đây là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, phổ biến ở trẻ nhỏ.

Bệnh có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao, nếu chưa có miễn dịch sẽ dễ mắc bệnh, diễn biến nặng có thể dẫn đến tử vong.

Dù là bệnh có vắc xin phòng nhưng hiện nay ho gà chưa được loại trừ nên hàng năm vẫn còn gặp những ca mắc bệnh rải rác tại một số địa phương trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, nước ta đã ghi nhận 82 trường hợp mắc ho gà tại các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam… trong đó Hà Nội có ca mắc cao nhất với 21 trường hợp, có một ca tử vong. Bốn trường hợp tử vong khác tại Cao Bằng, Nam Định (2 ca), Nghệ An.

Theo ghi nhận, dù số mắc tăng cao hơn các tháng trong năm do khí hậu lạnh, ẩm kéo dài, nhưng không cao hơn so với cùng kỳ các năm trước. Vì vậy đây không phải là diễn biến bất thường. Trẻ mắc ho gà phần lớn là trẻ dưới 2 tháng tuổi, chưa có khả năng miễn dịch. Riêng trong năm 2017, 80% số ca mắc là trẻ dưới 3 tháng tuổi và phần lớn rơi vào nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi chưa tiêm chủng phòng ngừa ho gà. Các trẻ mắc bệnh cũng không nhận được miễn dịch từ mẹ truyền cho con do mẹ chưa tiêm phòng dịch trước đó.

Để phòng bệnh trẻ em, vấn đề cốt lõi là trẻ phải được tiêm vắc xin đúng lịch, đủ liều: Cần tiêm mũi đầu tiên ngay khi trẻ được 2 tháng tuổi, mũi 2 lúc 3 tháng tuổi, mũi 3 lúc 4 tháng tuổi và tiêm nhắc lại lúc trẻ 18 tháng. Mũi nhắc lại lần 4 khi trẻ được 18 tháng rất quan trọng trong việc kéo dài miễn dịch sau này để truyền cho con.

Đối với phụ nữ mang thai, vắc xin ngừa ho gà dành cho người lớn được khuyến cáo tiêm cho lứa tuổi từ 6 - 64 tuổi và phụ nữ mang thai 20 tuần. Tuy nhiên, tốt nhất là tiêm ngừa trước khi mang thai. Trường hợp phụ nữ mang thai cần thực hiện việc tiêm phòng theo hướng dẫn của cơ quan y tế, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai sống tại vùng dịch.

Hiện Bộ Y tế đang giao cho Cục Quản lý Dược, Chương trình Tiêm chủng mở rộng xem xét để có hướng dẫn cụ thể về việc tiêm phòng dịch ho gà cho phụ nữ mang thai.

Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà (vắc xin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván –DTP hoặc  vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virut viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đủ liều, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem:

• Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi

• Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

• Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng

• Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế