Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số ca mắc gia tăng trong các tuần gần đây là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.
Mùa hè là thời điểm bùng phát bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Ảnh: internet
Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 0 – 5 tuổi
Bệnh tay chân miệng thường gặp phải ở trẻ em trong độ tuổi từ 0 – 5 tuổi. Bởi vì, trong thời kỳ này, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu và chưa hoàn thiện, là cơ hội để virus tấn công. Bên cạnh đó, trẻ lại thường xuyên tiếp xúc hoặc chơi đồ chơi chung tại những chỗ đông người nên nguy cơ mắc bệnh ngày càng cao.
Tác nhân gây tay chân miệng ở trẻ thường là 2 loại virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Loại virus này lây lan rất nhanh qua đường miệng, qua các chất tiết mũi miệng, phân hay bọt nước.
Bệnh thường xuất hiện với các triệu chứng ban đầu là sốt nhẹ hoặc cao, tiếp đó các bọng nước xuất hiện ở niêm mạc miệng (ở nướu răng, bên trong má, lưỡi) và ban đỏ ở bàn tay, bàn chân. Các ban đỏ này dần biến thành các bọng nước.
Thời gian ủ bệnh tay chân miệng ở trẻ là từ 3 ngày đến 1 tuần. Sau đó, các mụn nước bắt đầu xuất hiện ở tay chân, miệng. Sau 1-2 ngày, mụn nước bắt đầu lở loét và xuất hiện các vết mẩn đỏ. Thời gian khỏi bệnh sẽ phụ thuộc vào khả năng miễn dịch ở trẻ.
Bệnh chân tay miệng của trẻ em có nguy cơ bùng phát cao điểm vào tháng 9 đến tháng 11 hằng năm. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên; Súc miệng; Thực hiện việc ăn chín, uống sôi; Không cho trẻ lê la ở các khu vực vui chơi đông người, không đảm bảo vệ sinh; Vệ sinh nơi ở thường xuyên;...
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh chân tay miệng ở trẻ em. Phương pháp điều trị bệnh chân tay miệng ở trẻ là việc chăm sóc trẻ và tìm cách hạ sốt, giảm đau cho trẻ. Khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh thì đưa ngay đến các cơ sở y tế để khám chữa và điều trị bệnh kịp thời.
Tiếp tục triển khai việc rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống bệnh
Để hạn chế đến mức thấp nhất số ca tử vong do bệnh tay chân miệng, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và Y tế các bộ, ngành đề nghị tiếp tục triển khai việc rà soát, bổ sung kế hoạch phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn; đồng thời kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc, bảo đảm sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh tay chân miệng.
Tăng cường việc theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.
Sở Y tế tham mưu và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh tay chân miệng: công tác truyền thông, bổ sung kinh phí mua sắm các trang thiết bị, thuốc, hóa chất và vật tư y tế cần thiết để đáp ứng yêu cầu điều trị, ...
Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc thu dung, điều trị người bệnh theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng ban hành kèm theo Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30-3-2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế và tham khảo các nội dung chuyên môn trong Cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh tay chân miệng ở trẻ em của Bộ Y tế.
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở, phân tuyến điều trị. Tổ chức lọc bệnh điều trị ngoại trú và điều trị nội trú, thực hiện lưu đồ xử trí bệnh tay chân miệng và củng cố nguồn lực cho đơn vị hồi sức bệnh tay chân miệng ở tuyến tỉnh.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, các bệnh viện bệnh nhiệt đới các tỉnh rà soát các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại các đơn vị điều trị bệnh tay chân miệng để tiếp nhận các ca bệnh nặng từ các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh và các tỉnh khác chuyển đến.
Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tập huấn và tổ chức các kíp thường trực cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các tỉnh theo địa bàn đã được phân công và khi có yêu cầu hỗ trợ.