Chờ...

Xơ gan ăn nấm lim xanh được không?

(VOH) - Người bệnh xơ gan cần duy trì chế độ ăn uống tốt để phục hồi chức năng gan. Vậy nếu bị xơ gan ăn nấm lim xanh có được không? hãy cùng theo dõi lời giải đáp của BS Bay.

Thắc mắc của thính giả:

Chào bác sĩ!

Hôm nay tôi xin hỏi bác sĩ Bay một vấn đề nhờ bác sĩ tư vấn giúp tôi: Bà xã tôi bị xơ gan, điều trị ở Bệnh viện Đại học Y dược đã 5 năm rồi. Bây giờ, bà xã tôi muốn uống nấm lim xanh (loại nấm mà người ta đã tinh chế), vậy xin hỏi bác sĩ, bà xã tôi nấu nước nấm lim xanh uống được không? Bên cạnh đó, tiểu cầu của bà xã tôi thấp, vậy nên ăn uống như thế nào để tiểu cầu tăng lên?

PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) giải đáp:

Chào anh! 

Chị ở nhà bị xơ gan đã 5 năm và anh muốn hỏi rằng uống nấm lim xanh thêm được không. Chúng ta cũng biết rằng, xơ gan là các tế bào gan bị xơ hóa và khi nó xơ hoá thì nó không còn làm được tất cả các chức năng (từ chức năng giải độc cho tới chức năng tổng hợp và chức năng bài tiết…)

Như vậy, theo cách mô tả của anh, chị nhà bị xơ gan 5 năm rồi mà vẫn còn bình thường thì có lẽ chị nhà bị xơ gan còn bù, tức là tình trạng các các tế bào gan chưa bị xơ hóa hoàn toàn, nó vẫn còn một số tế bào gan có thể hoạt động được, nhưng các tế bào gan bị xơ hóa nhiều nên nó mới đưa đến tình trạng xơ gan mà chị nhà đang điều trị. 

Còn xơ gan mất bù là hoàn toàn không còn bù gì được nữa, phải đưa vào cơ thể các chất dinh dưỡng hoặc phải là dùng các loại thuốc lợi tiểu, chứ nếu không thì người bệnh sẽ bị báng bụng, phù chân...hay người ta gọi là xơ gan cổ trướng. Như vậy, tôi cũng chưa rõ chị nhà bị xơ gan còn bù hay xơ gan mất bù, tuy nhiên dù là xơ gan gì đi nữa, các chức năng của tế bào gan nó cũng đã bị xơ hóa rất nhiều, cho nên mọi thức ăn gì đưa vào cơ thể chúng ta cũng phải thận trọng. Bởi nếu không cẩn thận chúng ta vô tình làm cho tình trạng xơ gan nặng thêm.

xo-gan-an-nam-lim-xanh-duoc-khong-voh

Xơ gan ăn nấm lim xanh được không? (Nguồn: Internet)

Đối với nấm lim xanh, người ta có một số nghiên cứu trên động vật và thấy nó tác động lên trên các tế bào ung thư, nó cũng có tác động trong một số tình huống để giúp cho nhuận gan mật ...Cho nên, báo đài cũng đăng tin và từ đó chúng ta mới sử dụng cho những người bị ung thư gan hay những người bị các trường hợp ung thư khác dùng. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại những thông tin về tác dụng của nấm lim xanh trong điều trị ung thư, nó chỉ dừng lại trên thực nghiệm, tức là người ta gây cho một số động vật bị ung thư, sau đó sử dụng nấm lim xanh và người ta thấy rằng nó ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.

Mặc dù vậy, nấm lim xanh khi sử dụng người ta cũng thấy có một số có tác dụng tương đối tốt như nó góp phần giải độc gan, hỗ trợ hệ thống gan mật tăng tiết mật giúp tiêu hóa thức ăn mỡ, nhiều chất béo,… được dễ dàng. Do đó, chị nhà vẫn có thể dùng nấm lim xanh được, nhưng phải hết sức thận trọng. Bởi vì, nếu gan mật hỗ trợ tiêu hóa thức ăn nhiều, chúng sẽ trở nên mệt mỏi. 

Tốt nhất, anh nên cho chị uống nước nấm lim xanh từ từ. Nếu chị uống trong một thời gian ngắn mà không thấy ảnh hưởng gì, hoặc thấy khỏe hơn thì có thể tiếp tục dùng. Nếu mà uống vào, lượng nước tiểu giảm hay xuất hiện một số rối loạn tiêu hóa hoặc có những biểu hiện khác thường thì thôi, đừng dùng nữa.

Ngoài ra, anh hỏi tiểu cầu thấp thì nên ăn uống như thế nào? Thực tế, những trường hợp bị xơ gan sẽ có tiểu cầu thấp. Vấn đề là tôi không biết nguyên nhân nào khiến chị nhà bị xơ gan, nhưng nếu chị bị xơ gan do viêm gan siêu vi C thì sẽ có tình trạng tiểu cầu thấp.  

Như vậy, ăn uống gì để có thể giúp tạo máu, trong đó có tăng tiểu cầu? Đầu tiên anh hãy chú ý, đừng để cho chị bị chảy máu (có thể là táo bón đi cầu ra máu, khạc ra máu hoặc chảy máu răng…). Nếu chị nhà có hiện tượng chảy máu thì hãy cho chị uống nước cỏ mực. Cỏ mực tươi đâm nhuyễn lấy nước rồi pha thêm chút muối uống. Hoặc dùng cỏ mực phơi khô rồi nấu nước uống hằng ngày. Việc này sẽ góp phần làm giảm đi tình trạng chảy máu. 

Ngoài ra, hãy chú ý đến chất đạm bởi vì bệnh xơ gan làm giảm tổng hợp chất đạm. Khi chúng ta ăn chất đạm vào gan, nếu nó không đủ sức để tổng hợp chất đạm thì đôi khi lợi bất cập hại. Do đó, hãy sử dụng những đạm thực vật dễ tiêu hóa, ví dụ như đạm từ đậu hũ, đậu tương, đậu nành,…bên cạnh đó, chị nhà cũng nên giảm mỡ và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Một điều quan trọng nữa là phải sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.

Bạn có thể nghe lại chia sẻ của bác sĩ Bay tại audio bên dưới: