Xung đột có tác động không tốt đến trẻ
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên viên Trung tâm tư vấn Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, chuyện xung đột mẹ chồng nàng dâu trong chăm sóc, nuôi dạy trẻ là sự khác biệt không thể tránh được. Vấn đề là cần giải quyết sự khác biệt như thế nào? Không thể nói chung chung là phải hiểu nhau, thương nhau.
Một câu chuyện cho thấy sự xung đột này luôn hiện hữu. Khi đứa bé ngã, bà sẽ nhanh chóng đỡ bé đứng dậy, đánh vào chân bàn và nói là “bàn hư quá, làm cháu bà ngã”, rồi dỗ dành cháu.
Cùng tình huống đó, mẹ cháu bé sẽ điềm tĩnh yêu cầu con tự đứng lên và nói cho con biết tại con không cẩn thận nên té ngã
Dù trong bất kỳ xung đột nào, cách tốt nhất để giải quyết là con dâu không nên thẳng thắn phản đối ngay lập tức trước mặt đứa trẻ mà nên lựa lời giải thích với mẹ chồng sau khi chuyện đã xảy ra.
Nếu phản ứng ngay, bên cạnh việc làm sâu sắc thêm xung đột hai thế hệ, còn làm đứa trẻ hoang mang không biết hành xử như thế nào là đúng, như thế nào là sai?
Có những trường hợp mẹ chồng – nàng dâu xung đột trong cách dạy cháu gây tác dụng ngược. Đứa bé sẽ biết phải "nương" vào ai để không bị phạt, không bị ép ăn, ép học hay để được làm điều mình thích
Hình minh họa. Nguồn: Internet
Nghe nội dung tư vấn từ tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên
Cùng nhau hòa hoãn và "né tránh" xung đột
Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, các nàng dâu ngày càng tiếp cận được với các phương pháp giáo dục, chăm sóc con khoa học, hiện đại.
Các bà mẹ chồng cũng nên “bổ trợ” vốn hiểu biết của mình bằng cách theo dõi các thông tin giáo dục nuôi dạy trẻ thời hiện đại. Dù vậy, nên phân định rạch ròi, trách nhiệm quyết định chăm sóc, dạy con là của mẹ. Bà không nên can thiệp quá sâu mà chỉ nên giữ vai trò là người cố vấn, góp ý.
Nhưng không phải cô dâu nào cũng hiểu biết đúng, cũng biết cách chăm sóc con tốt hơn mẹ chồng. Không ít trường hợp con dâu áp dụng quá máy móc cách giáo dục con trẻ của phương Tây. Mẹ chồng lúc này có thể căn cứ vào sự phát triển của đứa trẻ để phân tích cho con dâu hiểu nên lựa chọn cái gì là phù hợp.
Dù trong tình huốn nào, cả hai cùng cố gắng đừng đẩy xung đột đến cực đoan với những tuyên bố như: “con của con thì con nuôi, con dạy” hay “mẹ đã nuôi gần chục đứa con lớn lên khỏe mạnh, sao không biết nuôi cháu được”
Đồng thời, vai trò người chồng trong những xung đột này hết sức quan trọng. Người chống muốn giải quyết rốt ráo vấn đề trước hết cần có hiểu biết về cách chăm sóc, nuôi dạy con để xác định đâu là đúng, sai và lựa lời phân giải. Nếu người chồng đứng ở giữa và thấy ai cũng có cái đúng thì chính là “châm dầu vào lửa”.
Không có công thức chung nào trong việc giải quyết mâu thuẫn này cho mọi gia đình. Suy cho cùng, cả mẹ và bà đều dành tình thương cho con, cháu và mong muốn điều tốt đẹp nhất cho đứa trẻ.
Nếu có thể, hãy thường xuyên nhường nhau,”thỏa hiệp” chuyện nhỏ, không mấy ảnh hưởng đến sự an toàn hay phát triển của trẻ.
Trong một chương trình Kỹ năng làm cha mẹ, thạc sĩ bác sĩ Đào Thị Yến Phi chia sẻ, trẻ dưới 6 tháng tuối được khuyến cáo chỉ uống sữa, không uống nước. Nhưng bà nội, bà ngoại luôn cho rằng cần cho cháu uống nước sau khi uống sữa cho sạch, thơm miệng. Nếu chỉ một muỗng nước tráng miệng như vậy cũng không ảnh hưởng gì đến bé thì các bà mẹ trẻ có thể vui vẻ chấp nhận. Tuy nhiên, không nên cho trẻ uống cả bình nước như uống sữa.